Hiểm nguy rình rập
Ở khu vực miền núi, địa hình phức tạp, việc xây dựng cầu treo là giải pháp tối ưu để người dân đi qua sông, suối làm ăn, sinh sống. Chính vì thế, tại các huyện biên giới vùng cao Mường Lát, Quan Hóa (tỉnh Thanh Hóa), nhiều cầu treo thiết kế dạng dây võng, mặt cầu lát ván gỗ được đầu tư. Từ ngày có cầu qua lại sông, suối, đời sống người dân đỡ khó khăn hơn. Nhưng khi đầu tư, dường như chính quyền và các đơn vị chức năng lại không chuẩn bị phương án xử lý cầu khi hỏng.
Theo ghi nhận của PV, tại H.Mường Lát, cầu treo bản Lát (thuộc bản Lát, xã Tam Chung) bắc qua sông Mã, nối xã Tam Chung với TT.Mường Lát. Cầu thiết kế dạng dây võng, mặt cầu lát ván gỗ, dài 175 m, rộng 2,2 m, hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2000. Tương tự, cầu treo bản Pọong (thuộc bản Pọong, xã Quang Chiểu) dài 60 m, rộng 1,5 m thiết kế dạng dây võng, mặt cầu lát ván gỗ; được đưa vào sử dụng từ năm 2007. Tuy nhiên, đến năm 2015, cả 2 cây cầu này đều xuống cấp, hư hỏng.
Hiện trạng, cầu bản Lát và cầu bản Pọong đều không đảm bảo an toàn cho người qua lại. Ván gỗ lát mặt cầu bị bong tróc, mục nát. Các kết cấu dây võng, mối kết nối các trụ… đều bị hoen rỉ, không đảm bảo an toàn. Vì thế, từ năm 2015, chính quyền địa phương đã dừng sử dụng, đặt biển cảnh báo cấm người qua lại để xử lý bằng cách tháo dỡ. Cách các cây cầu không xa, cầu cứng bằng bê tông được làm để thay thế.
Tuy nhiên, nhiều người dân, thậm chí cả học sinh, vẫn liều mình qua lại cầu treo, đặc biệt là cầu bản Lát. Anh Bùi Văn Tiến (37 tuổi, ngụ H.Mường Lát), nói: "Cầu kiên cố phải đi vòng xa hơn 1 km so với đi qua cầu treo, nên nhiều người vẫn cược mạng sống băng qua. Tháng 1 vừa rồi, có 1 học sinh lớp 8 ở xã Tam Chung khi đi qua cầu bản Lát đã trượt chân rơi xuống sông, may mắn chỉ bị thương nhẹ”, anh Tiến nói.
Không chỉ ở Mường Lát, tại H.Quan Hóa cũng tồn tại cầu treo Phú Xuân (xã Phú Xuân, H.Quan Hóa) hư hỏng và dừng hoạt động từ tháng 8.2018, do lũ tràn qua (Thanh Niên đã phản ánh). Cũng phải mất hơn 2 năm, cây cầu này mới hoàn thành việc tháo dỡ trong tháng 12.2020. Nguyên nhân kéo dài thời gian tháo dỡ một phần cũng vì việc bố trí kinh phí. Cầu treo Phú Xuân bán thanh lý được hơn 40 triệu đồng, nhưng chi phí cho việc tháo dỡ là hơn 100 triệu đồng. Như vậy, ngân sách Nhà nước phải bù hơn 60 triệu đồng để xử lý cầu hư hỏng.
Hơn 5 năm vẫn chưa có tiền tháo dỡ
Theo tìm hiểu của PV, giai đoạn 2015 - 2016, UBND H.Mường Lát đã báo cáo các đơn vị cấp sở và UBND tỉnh Thanh Hóa kiểm tra, xác định các cầu treo hư hỏng phải thanh lý, tháo dỡ. Tiền tháo dỡ do ngân sách huyện bố trí. Sau đó, cầu bản Na Tao (xã Pù Nhi) đã được tháo dỡ, riêng cầu treo bản Lát và bản Pọong đến nay vẫn phải đợi. Trong năm 2016, theo dự toán của UBND H.Mường Lát, để tháo dỡ cầu treo bản Lát phải mất chi phí hơn 900 triệu đồng, còn cầu treo bản Pọong là hơn 400 triệu đồng. Tuy nhiên, do huyện này không bố trí được nguồn tiền, nên chưa thể thực hiện.
Mới đây nhất, ngày 26.1, UBND H.Mường Lát tiếp tục có tờ trình gửi UBND tỉnh Thanh Hóa về việc tháo dỡ đối với riêng cầu treo bản Lát (cầu treo bản Pọong, xã Quang Chiêu chưa thực hiện - PV). UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã giao Sở Tài chính, Sở GTVT Thanh Hóa nghiên cứu đề nghị của UBND H.Mường Lát. Như vậy, lại thêm một lần nữa, việc thanh lý, tháo dỡ các cầu treo hư hỏng ở H.Mường Lát lại phải đưa ra để xem xét.
Ông Nguyễn Tuấn Dương, Trưởng phòng Tài chính UBND H.Mường Lát, cho biết do các kiến nghị thanh lý, tháo dỡ cầu hư hỏng từ những năm 2015 - 2016 đã lâu rồi, nên nay UBND H.Mường Lát làm tờ trình xin ý kiến lại một lần nữa, để chờ UBND tỉnh Thanh Hóa quyết định. “Huyện đã trình UBND tỉnh, và đang chờ quyết định về việc tháo dỡ. Sau khi có quyết định, chúng tôi mới tiến hành lập phương án, dự toán chi tiết, nên hiện tại chưa biết chi phí tháo dỡ cầu bản Lát sẽ mất bao nhiêu tiền và nguồn tiền từ ngân sách huyện hay tỉnh thì cũng phải chờ ý kiến của UBND tỉnh”, ông Dương nói.
Chính vì khó khăn trong bố trí tài chính, các cây cầu treo bị hư hỏng trên địa bàn H.Mường Lát nhiều năm qua vẫn chưa thể tháo dỡ, tiềm ẩn nguy cơ gây nguy hiểm đến tính mạng, tài sản người dân.
Bình luận (0)