Hiến kế để TP.HCM có ngay hàng ngàn nhà vệ sinh công cộng

02/03/2023 14:00 GMT+7

Sau khi đăng tải loạt bài viết phản ánh tình trạng nhà vệ sinh công cộng (NVSCC) vừa thiếu vừa bẩn thỉu khiến TP.HCM và Hà Nội "đội sổ" trong bảng xếp hạng quốc tế, Thanh Niên nhận được nhiều hiến kế từ bạn đọc và các chuyên gia.

Văn phòng UBND TP.HCM mới đây có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Phan Văn Mãi về việc tổ chức quản lý nhà vệ sinh công cộng khu vực trung tâm thành phố.

'Hô biến' để TP.HCM có ngay hàng triệu nhà vệ sinh công cộng - Ảnh 1.

Việc nhà vệ sinh công cộng ở hai thành phố lớn nhất VN đứng ở vị trí không thể tệ hơn trong bảng xếp hạng thế giới là nỗi nhức nhối của ngành du lịch Việt Nam suốt nhiều năm qua

NHẬT THỊNH

Theo đó, Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích Thanh niên Xung phong được giao nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất mẫu thiết kế, phương án nguồn lực tài chính, cách thức vận hành, quản lý để đầu tư xây dựng NVSCC khu vực trung tâm. Chính quyền các quận, huyện và TP.Thủ Đức tăng cường vận động các cơ sở như: bưu điện, cây xăng, trung tâm văn hóa, siêu thị, cửa hàng, trung tâm thương mại, nhà hàng, khách sạn, cơ sở dịch vụ ăn uống, bến xe… tạo điều kiện cho khách du lịch, khách vãng lai được sử dụng nhà vệ sinh của mình.

Hiến kế với Thanh Niên, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Corporation, cho rằng để chờ đợi thành phố có phương án "phủ" NVSCC rồi huy động nguồn lực xã hội hóa, xây dựng, hoàn thiện... mất rất nhiều thời gian. Chưa kể, không chỉ khu vực trung tâm thành phố mà đây là công trình phụ phải có ở khắp các quận, huyện vì nhu cầu của cả du khách và người dân thành phố không chỉ cố định ở nội đô.

Chính vì thế, cần có phương án giải quyết nhanh chóng, đơn giản.

Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, thời ông còn nhỏ, các quán cà phê nở rộ khắp các tuyến phố Sài Gòn, trở thành nét văn hóa nổi bật của "hòn ngọc viễn đông". Đi cùng với đó là văn hóa "đen không đường". Đây là "mật mã" để mỗi vị khách nếu đang đi trên đường mà muốn vệ sinh có thể ghé bất cứ quán cà phê nào để "giải quyết nỗi buồn".

"Quán cà phê đầy đường. Chủ quán quan niệm mình bán đồ uống từ nước, khách uống quán mình xong ra ngoài muốn vệ sinh thì quán khác cho họ đi nhờ, nên ngược lại, mình cũng cho khách từ quán khác đi thoải mái. Ai có nhu cầu vào chỉ cần bảo cho ly đen không đường, hoặc cho ly nước lọc là chủ quán hiểu và chỉ chỗ. Sau đó, khách ra tự động để lại một số tiền ấn định, khoảng 2.000 đồng chẳng hạn, để gia chủ có thêm chi phí vệ sinh, giữ gìn nhà vệ sinh sạch sẽ. Đó là thỏa thuận nhẹ nhàng, ý nhị, văn minh" - ông Kỳ nhớ lại.

Là người đứng đầu một trong những công ty du lịch lớn nhất Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Kỳ luôn đau đáu câu chuyện công trình phụ, vấn đề nhỏ nhưng làm mất hình ảnh rất lớn của Việt Nam trong mắt du khách. Do đó, vị này đề xuất UBND TP ra quy định tất cả các quán cà phê, muốn được cấp phép kinh doanh phải cam kết có nhà vệ sinh "mở". Khi đó, toàn thành phố sẽ lập tức có hàng ngàn NVSCC. Đồng thời, vẫn từng bước xây dựng mạng lưới NVSCC thông minh, hiện đại theo chủ trương của TP.

'Hô biến' để TP.HCM có ngay hàng triệu nhà vệ sinh công cộng - Ảnh 2.

Từ năm 2014, NVSCC đã có mặt trong danh sách 7 nỗi sợ lớn nhất của du khách khi tới Việt Nam. Trên đường phố, tại quảng trường, trên các tuyến phố đi bộ… du khách tìm đỏ mắt mới thấy NVSCC, nhưng cũng kiểu "hên xui", cái còn hoạt động, cái thì khóa cửa bỏ hoang

NHẬT THỊNH

Trước đó, Nikkei Asia - tờ báo uy tín của Nhật đã có bài viết dựa theo chỉ số khảo sát được công bố cuối tháng 1.2023 nhận định: "Đường phố TP.HCM có mọi thứ mà khách du lịch mong muốn như thức ăn ngon, lịch sử kiến trúc sâu sắc, cuộc sống sôi động... Tất cả đều hấp dẫn, trừ nhà vệ sinh".

TP.HCM cùng với Hà Nội là hai trong những TP có điều kiện sử dụng NVSCC tệ nhất đối với bất kỳ du khách nào. Chỉ Johannesburg (Nam Phi) và Cairo (Ai Cập) xếp hạng thấp hơn so với 2 TP lớn nhất VN trên bảng chỉ số NVSCC, tính trên mỗi km2. NVSCC của chúng ta còn xếp sau khá xa so với Kuala Lumpur (Malaysia) đứng 42, Bangkok (Thái Lan) vị trí 45...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.