Còn ý thức, không chỉ của những người tham gia giao thông mà còn ở người quản lý, điều hành, tuần tra, kiểm soát lưu thông - đó là tinh thần thượng tôn pháp luật là yếu tố quan trọng góp phần giảm ùn tắc.
tin liên quan
Hiến kế giảm ùn tắc giao thông TP.HCM: Đô thị thấp tầng 'ngốn' quá nhiều đấtTheo TS Lương Hoài Nam, TP.HCM đang là “đô thị thấp tầng trên nền
tảng giao thông cá nhân” khiến diện tích dành cho hạ tầng cơ sở bị thu
hẹp, gây ùn tắc.
Xử nghiêm người vi phạm
Thứ nhất, đối với người tham gia giao thông, ngoài việc tuyên truyền trên hệ thống thông tin đại chúng như đài truyền hình, phát thanh, báo chí… thì việc xử lý vi phạm giao thông là quan trọng. Mức phạt hiện nay là khá ổn, đã đủ sức răn đe. Khi bị phát hiện, người vi phạm đa phần chấp hành nộp phạt nhưng một số cố tình né tránh bằng cách bỏ chạy, nhờ người quen có thế lực xin cho qua. Với trường hợp bỏ chạy, cần có bằng chứng ghi hình để phạt nguội và phải xử lý triệt để. Truy tìm tận gốc chiếc xe thông qua biển kiểm soát và phạt với tình tiết tăng nặng. Sau khi phạt thì cập nhật thông tin đã xử lý vi phạm qua truyền hình.
Ví dụ, ngày 15.2, tại giao lộ Bạch Đằng - Lê Quang Định (TP.HCM), một đôi nam nữ rẽ trái từ Bạch Đằng sang Lê Quang Định, cảnh sát giao thông (CSGT) trực chốt đã ra tín hiệu yêu cầu xe vi phạm tấp vào lề, người điều khiển đã cho xe bỏ chạy, CSGT không thể làm gì khác vì đường quá đông, rất nhiều người tham gia giao thông cũng bức xúc vì khi bỏ chạy, xe đó có thể gây tai nạn cho người khác. Mặt khác nó tạo ra tâm lý cho những người tham gia giao thông khác: nếu vi phạm mà bỏ chạy là huề, sẽ không bị phạt tiền. Khi tâm lý này lan rộng ra cộng đồng thì ý thức giao thông càng trở nên tệ hại. CSGT khi đó có thể không truy đuổi người vi phạm, nhưng cần có camera của CSGT hay camera giao thông ghi lại hình ảnh, xử phạt thích đáng và nêu lên trên bảng tin về giao thông trên báo đài. Khi nghe và biết người vi phạm sẽ không chạy thoát được việc bị xử phạt. Có thế, tâm lý và ý thức của người dân sẽ hướng đến việc tuân thủ luật lệ giao thông.
Đối với những ai đã và đang bao che cho hành vi vi phạm giao thông của người thân, bạn bè bằng quyền lực của mình thì hãy vì xã hội, vì cộng đồng mà hãy “nói không” để người vi phạm biết lỗi của mình mà chấp nhận xử phạt và cố gắng tuân thủ pháp luật giao thông.
Đối với cơ quan, người quản lý, điều hành, tuần tra, kiểm soát giao thông thì tùy vào chức năng, nhiệm vụ của mình mà bảo đảm an toàn hạ tầng giao thông sẵn có thông qua việc lắp đặt các bảng hiệu, biển báo giao thông, khắc phục các hư hỏng hằng ngày trên các con đường. Hãy phân công cụ thể ai, số điện thoại phụ trách con đường này, nếu có hư hỏng phát sinh thì phải nắm bắt ngay và xử lý kịp thời. Chẳng hạn trên QL1K về Biên Hòa thuộc địa phận Bình Dương có một ổ gà hình thành từ nhiều tháng nay, nhiều xe lạ hay bị sụp ổ gà, lạng tay lái. Nếu không nhanh chóng sửa chữa thì ổ gà ngày càng lớn lên và chi phí sẽ gia tăng nhưng quan trọng là tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
tin liên quan
Hiến kế giảm ùn tắc giao thông tại TP.HCM: Điều hành linh hoạtĐiều hành linh hoạt và ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý hệ thống giao thông, cùng với việc đầu tư cho giao thông công cộng kết hợp giảm dần lượng xe máy, là những giải pháp có thể giúp kéo giảm ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM.
Tăng cường phạt nguội
Đặc biệt, đối với lực lượng CSGT tuần tra, kiểm soát giao thông, vẫn biết họ bị quá tải khi đường phố bị ùn tắc, nhưng xem đi, xét lại thì ý thức kém của người tham gia giao thông hình thành đa phần xuất phát từ cách hành xử của lực lượng này. Khi hành lang pháp lý đầy đủ nhưng CSGT không làm tròn vai của người tuần tra, kiểm soát, điều phối giao thông cũng được xem là hành vi không thượng tôn pháp luật.
Về tuần tra, điều phối: Do lực lượng mỏng, phương tiện thiếu nên không đủ người, đủ lực để giúp giảm ùn tắc. Đối với những giao lộ nhỏ thì 2 CSGT đã đủ sức điều phối giao thông, nhưng ở những giao lộ lớn, tiếng còi trở nên lạc lõng. Vì thế nên tăng cường lực lượng hỗ trợ và trang bị bộ đàm để thống nhất điều hành chung. Ở những giao lộ ít xe, khi không có CSGT thì có 1 - 2 người vượt đèn đỏ, 4 - 5 người dừng xe quá vạch, còn lại đa phần là dừng xe đúng luật. Cần xử lý gấp những người vượt đèn đỏ vì hành vi này rất nguy hiểm, dễ gây tai nạn chết người và CSGT là người thụ lý, giải quyết, tốn rất nhiều công sức, tiền bạc. Thành phố nên cho gắn camera để phạt nguội những người này, đồng thời phổ biến thông tin cho người dân biết ông A, bà B vượt đèn đỏ lúc mấy giờ, ngày nào, ở giao lộ nào, bị xử phạt bao nhiêu tiền. Tương tự, ở những giao lộ nhiều xe, rất đông xe lấn sang làn ngược chiều, gây ắc tách giao thông nhưng hầu như các anh CSGT làm ngơ. Trước đây, hành vi này rất ít vì sợ bị phạt, nhưng hiện nay thì một số người đi xe 2 bánh xem lấn làn ngược chiều là bình thường. Dần dần, tâm lý đám đông cho rằng CSGT sẽ không phạt hành vi lấn làn ngược chiều khi đường đông, không phạt khi vượt đèn đỏ khi không có CSGT trực chốt.
Vì thế, lãnh đạo phòng CSGT thành phố nên lập một đội khoảng 6 đến 10 CSGT, chỉ để xử lý các vi phạm tập thể này. Mỗi ngày, đội chỉ cần xử lý vài giao lộ, yêu cầu tất cả người vi phạm vào lề đường xử lý theo đúng quy định, ai sai đến đâu xử lý đến đó, đồng thời tuyên truyền trên truyền hình. Bảo đảm chỉ 1 tháng sau tình trạng lấn làn, ngược chiều sẽ giảm hẳn, nhất là những giao lộ có một đoạn dải phân cách cứng.
Đây là những việc cần làm ngay và có thể làm được trong tầm tay của các cơ quan chức năng, của những người có thẩm quyền để ý thức người tham gia giao thông tốt lên, việc tuân thủ pháp luật giao thông được nâng cao và tình trạng kẹt xe, ùn tắc giảm xuống.
Báo Thanh Niên rất mong nhận được ý kiến từ bạn đọc cùng tham gia hiến kế giảm ùn tắc giao thông tại TP.HCM. Mọi ý kiến đóng góp xin gửi về địa chỉ email: chonguntac@thanhnien.com.vn.
|
Bình luận (0)