'Hiến kế' phục hồi di tích thành Điện Hải

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
08/09/2023 07:01 GMT+7

Di tích quốc gia đặc biệt thành Điện Hải (TP.Đà Nẵng) đang đứng trước cuộc phục hồi lớn chưa từng có. Qua phân tích, một số chuyên gia, nhà chuyên môn đã góp ý kiến nhằm tu bổ, phục dựng thành cổ tròn 200 năm tuổi này chuẩn xác nhất.

"CHỈ PHỤC HỒI KHI CÓ ĐẦY ĐỦ TƯ LIỆU"

Nhà nghiên cứu Hồ Xuân Tịnh, Hội Di sản TP.Đà Nẵng, khi đề cập đến vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị các di tích liên quan cuộc chiến chống thực dân Pháp xâm lược giai đoạn 1858 - 1860 ở Đà Nẵng, cho biết vì đài Điện Hải nằm sát cửa biển, sóng gió mạnh gây nguy cơ sụp đổ nên vào tháng 2.1823, vua Minh Mạng lệnh cho dời vào phía trong, chọn chỗ đất cao và rộng để xây đài như ở vị trí hiện nay (gần Trung tâm hành chính TP.Đà Nẵng). Trải qua 200 năm biến động, nhất là đi qua cuộc chiến chống thực dân Pháp giai đoạn 1858 - 1860, thành Điện Hải "bị xâm hại nghiêm trọng, gần như không còn giữ được các công trình đã có lúc ban đầu".

'Hiến kế' phục hồi di tích thành Điện Hải - Ảnh 1.

'Hiến kế' phục hồi di tích thành Điện Hải - Ảnh 2.

Di tích quốc gia đặc biệt thành Điện Hải đang chuẩn bị tu bổ, phục hồi và tôn tạo giai đoạn 2

HOÀNG SƠN

Theo ông Tịnh, việc chuẩn bị di dời Bảo tàng Đà Nẵng để thực hiện trùng tu thành Điện Hải giai đoạn 2 là điều đáng mừng. Việc xây dựng phục hồi các công trình thuộc về thành Điện Hải ngày xưa rất cần thiết cho nghiên cứu, học tập và tham quan.

"Trước khi thực hiện tu bổ phục hồi các công trình này, cần tham khảo các tài liệu viết, bản vẽ có liên quan đến thành Điện Hải xưa, khảo sát dấu tích nền móng các công trình trước đây. Cũng cần tham khảo các công trình có kiến trúc tương tự và cùng thời kỳ ở VN để có thiết kế tu bổ chuẩn xác. Chỉ phục hồi khi có đầy đủ tư liệu, chứng cứ, đầy đủ cơ sở khoa học, nếu không chắc chắn mà vẫn xây dựng phục hồi các công trình đã biến mất thì chẳng khác gì tiếp tục xâm hại di tích bằng một dự án trùng tu", ông Tịnh nêu quan điểm.

Đối với việc trùng tu một di tích khảo cổ học ngoài trời, việc đào thám sát để tìm các dấu tích cổ là rất quan trọng. Đó là cơ sở khoa học để thực hiện tu bổ, phục hồi...


Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện (Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng)

Mới đây, tại tọa đàm Bảo tồn và phát huy giá trị các di sản liên quan đến cuộc chiến tranh Mậu Ngọ 1858 - 1860, nhóm nghiên cứu gồm kiến trúc sư - TS Phan Bảo An (Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Đà Nẵng) và các cộng sự cho rằng, cần nghiên cứu và tôn tạo lại các công trình lịch sử kiến trúc bên trong thành Điện Hải, trả lại không gian và đảm bảo yếu tố nguyên gốc của công trình di tích. Đây là việc làm cần thời gian, công sức và phải tiến hành thận trọng sau khi đã có những nghiên cứu đầy đủ. Các công trình kiến trúc bên trong thành Điện Hải được phục dựng trong tương lai sẽ giúp người dân nhận thức được hình thái tổ chức không gian kiến trúc trong bối cảnh trận chiến (từ năm 1835 - 1862); làm rõ hơn điều kiện, vật lực của quan quân triều Nguyễn chống lại cuộc xâm lược của liên quân Pháp - Tây Ban Nha trong cuộc chiến Mậu Ngọ (1858).

'Hiến kế' phục hồi di tích thành Điện Hải - Ảnh 4.

Bảo tàng Đà Nẵng trên nền di tích thành Điện Hải hiện nay sẽ được hạ giải hoàn toàn để phục hồi một số công trình

GIẢM THIỂU ẢNH HƯỞNG ĐẾN DI TÍCH

Nhóm nghiên cứu của kiến trúc sư - TS Phan Bảo An cho biết thêm, trong hơn 15 năm qua đã có nhiều công trình hành chính, chính trị, lịch sử, ngoại giao, văn hóa… xây dựng lên ở khu vực xung quanh thành Điện Hải với quy mô lớn, xen lẫn khu vực nhà dân nên không kết nối về mặt hình thái đô thị và có phần làm di tích lịch sử cấp quốc gia trở nên nhỏ bé, lạc lõng. Nhất là, bên trong di tích hiện đang tồn tại công trình kiến trúc hiện đại (Bảo tàng Đà Nẵng), không hòa nhập với không gian kiến trúc thành.

Để khắc phục vấn đề này, nhóm tác giả cho rằng ngành chức năng cần tập trung nghiên cứu và thực hiện triệt để các quy định của luật Di sản trong công tác bảo tồn, trùng tu các giá trị lịch sử, văn hóa của di tích. Trong đó, gắn liền với việc cấp phép xây dựng các công trình lân cận, từng bước điều chỉnh, giảm thiểu các ảnh hưởng của những công trình tồn tại trước đây có xâm phạm đến di tích. Ngoài ra, TP.Đà Nẵng cần tập trung chỉnh trang không gian cảnh quan xung quanh công trình di tích, bố trí nhiều cây xanh để giảm thiểu sự ảnh hưởng của các công trình kiến trúc hiện trạng và các công trình hạ tầng xám…

Nên xếp hạng di tích nghĩa địa Pháp - Tây Ban Nha

Nhà nghiên cứu Hồ Xuân Tịnh cho rằng nghĩa địa Pháp - Tây Ban Nha (quy tụ hàng chục hài cốt của binh lính Pháp và Tây Ban Nha tử trận trong cuộc chiến tranh xâm lược VN năm 1858 - 1860, hiện nằm cạnh số 3 Yết Kiêu, TP.Đà Nẵng) cần được xếp hạng di tích lịch sử, bởi nó không chỉ là chứng tích chiến tranh mà còn cho thấy ý chí kiên cường chống giặc ngoại xâm của quân dân VN. Địa điểm này còn thể hiện tinh thần nhân đạo của người Việt: đối với mồ mả của kẻ xâm lược, chẳng những không đập phá mà còn quan tâm chăm sóc, đúng với tinh thần câu nói của tổ tiên ta "nghĩa tử là nghĩa tận".

Cùng với đó, nhóm nghiên cứu kiến nghị cần tổ chức cảnh quan quảng trường phía trước công trình di tích, kết nối với trục bờ sông Hàn, cảnh quan xung quanh di tích hình thành các lối đi bộ… để người dân tiếp cận với công trình di tích từ nhiều hướng; nghiên cứu và đánh dấu các vị trí có liên quan đến hệ thống đồn lũy, thành trì trong cuộc chiến Mậu Ngọ (1858) để hình thành trục liên kết từ thành Điện Hải đến các vị trí, giới thiệu cho du khách và người dân quan tâm.

Nhóm tác giả cũng cho rằng, việc nghiên cứu và hệ thống lại các cứ điểm, đồn lũy, thành trì để xây dựng thành mô hình sa bàn về trận chiến Mậu Ngọ sẽ góp phần giáo dục tinh thần yêu nước, bất khuất của nhân dân VN trong bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ của quốc gia.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, cho biết dự án trùng tu, phục hồi thành Điện Hải giai đoạn 2 đã hoàn thành giai đoạn nghiên cứu, thiết kế các công trình cần phục dựng…

"Trước khi thi công, phải tiếp tục đào thăm dò, khảo cổ học để rà soát một lần nữa nền móng cũ. Nếu có những phát hiện mới thì sẽ tiếp tục nghiên cứu. Đối với việc trùng tu một di tích khảo cổ học ngoài trời, việc đào thám sát để tìm các dấu tích cổ là rất quan trọng. Đó là cơ sở khoa học để thực hiện tu bổ, phục hồi... Cũng như giai đoạn 1 dự án, khi khôi phục thành hào xung quanh thành Điện Hải, việc khảo cổ học đã phát hiện toàn bộ nền móng cũ của thành ngoài. Từ đó, thành đã được phục dựng đảm bảo yếu tố gốc", ông Thiện nhấn mạnh. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.