Sáng 4.8, Ủy ban Kinh tế Quốc hội tổ chức phiên họp tham vấn ý kiến vào dự thảo luật Đất đai sửa đổi dự kiến trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp 6 cuối năm nay.
Báo cáo về các nội dung lớn, còn ý kiến khác nhau tại dự án luật Đất đai sửa đổi, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội Phan Đức Hiếu cho biết, dự thảo luật mới nhất đã lược bỏ những chỉ tiêu sử dụng đất không phù hợp với mục tiêu quản lý cấp quốc gia, bảo đảm tính khả khi, tránh vướng mắc, phải điều chỉnh nhiều lần trong quá trình thực hiện.
Theo đó, các chỉ tiêu sử dụng đất cần phân bổ, quản lý ở cấp quốc gia bao gồm: nhóm đất nông nghiệp, nhóm đất phi nông nghiệp, nhóm đất chưa sử dụng.
Đối với quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện cũng đã chỉnh sửa bước đầu, tuy nhiên, vẫn cần tiếp tục rà soát để lược bỏ chỉ tiêu không cần thiết, không phù hợp; tránh việc ban hành nhiều chỉ tiêu không hợp lý tại nội dung quy hoạch, gây khó khăn trong việc quản lý, đầu tư phát triển của các địa phương.
Về kế hoạch sử dụng đất cấp huyện, ông Hiếu cho hay, thực tế hiện nay, kế hoạch sử dụng đất được quy định là căn cứ để thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất.
Về bản chất, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện là việc kế thừa, tổng hợp các công trình, dự án đã có chủ trương đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư.
Tuy nhiên, thực tế kế hoạch sử dụng đất thường được ban hành chậm so với quy định, dẫn đến không có căn cứ thu hồi đất, làm chậm tiến độ hoàn thành dự án. Do đó, dự thảo sẽ tiếp tục được rà soát để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thời gian qua.
Bất động sản trầm lắng là do cung đã vượt cầu
Về vấn đề này, trong phần giải trình cuối phiên họp, Thứ trưởng Bộ TN-MT Lê Minh Ngân cho hay, bản chất của quy hoạch đất đai là quản lý việc chuyển từ đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp.
Khi xây dựng quy định này tại dự thảo luật Đất đai, ngoài đất nông nghiệp, đất quốc phòng, an ninh thì ban đầu dự kiến đưa cả về đất ở vào chỉ tiêu sử dụng đất cấp quốc gia, song cũng có những "cái trăn trở".
Theo Thứ trưởng Bộ TN-MT, theo số liệu hiện nay, cả nước có 740.000 ha đất ở. "Nếu tính trên 100 triệu dân thì mỗi người có khoảng 74 m2 đất ở. Như vậy, thực tế bất động sản vừa rồi không phải thiếu cung. Báo cáo các đồng chí như thế", ông Ngân nói.
Thứ trưởng Ngân cũng cho hay, bình quân diện tích nhà ở của Việt Nam hiện nay chỉ khoảng 20 m2, mục tiêu phấn đấu tới 2030 mới đạt 25 - 30 m2 mỗi người.
"Vừa qua, bất động sản trầm lắng là quy luật của kinh tế thị trường do chúng ta đầu tư nhiều tới mức cung vượt quá cầu. Cầu thời gian vừa qua là cầu đầu cơ chứ không phải cầu để người dân có đất xây dựng nhà ở", ông Ngân nhận định.
Theo ông Ngân, nếu quy định chỉ tiêu đất ở vào quy hoạch quản lý ở cấp quốc gia thì sẽ ách tắc thêm cho bất động sản. "Do đó, chỗ này chúng tôi cũng thống nhất với Ủy ban Kinh tế Quốc hội là giao cho các địa phương", ông Ngân cho hay.
Tuy vậy, ông Ngân không đồng ý với nhiều kiến nghị đề xuất bỏ quy định về kế hoạch sử dụng đất cấp huyện. Từ năm 2000 tới nay, nhiều cán bộ trong ngành, nhất là các giám đốc sở TN-MT lúc nào cũng đề xuất bỏ kế hoạch sử dụng đất cấp huyện.
Ông Ngân phân tích, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện chính là "cây gậy" để kiểm soát quyền lực, đã được phân cấp, phân quyền cho địa phương trong thu hồi đất.
"Không có kế hoạch sử dụng đất cấp huyện thì anh muốn lấy chỗ nào thì lấy, người dân rất bị động. Mà cái đó rất tùy tiện cho quan chức", ông Ngân nói và đề nghị nếu làm chậm thì phải đẩy nhanh tiến độ, thay đổi thủ tục chứ không nên vì thế mà đề nghị bỏ "cái đã đi cùng năm tháng".
Kết luận, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, nhiều địa phương muốn bỏ kế hoạch sử dụng đất cấp huyện. Theo ông Thanh, Nghị quyết 18 của T.Ư khóa XIII đã yêu cầu phải quy định chặt chẽ, tuy nhiên, cũng phải giải quyết vướng mắc để kế hoạch sử dụng đất cấp huyện không trở thành rào cản cho sự phát triển.
Ông Thanh gợi mở có thể lựa chọn phương án không ban hành kế hoạch sử dụng đất cấp huyện hàng năm như hiện nay mà 2 năm hoặc 5 năm một lần như nhiều địa phương đề xuất.
Bình luận (0)