Đoạn Quản lý giao thông thủy bộ Bến Tre đã nhanh chóng đưa xe chở trên 10m3 đá cấp phối lấp đầy hố sâu trên vào 17 giờ cùng ngày, đảm bảo an toàn cho người và xe qua cầu...
|
Tuy nhiên, sự cố trên đã gây nỗi lo ngại lớn trong dư luận bởi lẽ hai mố cầu là hạng mục quan trọng của một công trình tầm cỡ của khu vực ĐBSCL như cầu Hàm Luông. Nhất là khi công trình chỉ mới đưa vào sử dụng cách nay không đầy 6 tháng. Sáng qua PV Thanh Niên đã trở lại hiện trường, đồng thời tiếp xúc với người của Ban Quản lý dự án 7, chủ đầu tư dự án cầu Hàm Luông và người của Công ty TNHH Việt Cường (TP.HCM), đơn vị trực tiếp thi công tuyến đường dẫn (bao gồm mố cầu đã nêu) để tìm câu trả lời chính thức, nhưng đáng tiếc vẫn chưa có thông tin gì về nguyên nhân gây sự cố.
Một kỹ sư được Ban Quản lý dự án 7 phân công điều tra sự cố (không muốn nêu tên), cho biết trước mắt chưa thể nói gì do không đủ thẩm quyền trả lời. Còn kỹ sư Nguyễn Hữu Tuyến của Công ty Việt Cường, người tự giới thiệu là chỉ huy trưởng trực tiếp chỉ huy thi công tuyến đường dẫn trên, bảo “cần có thời gian và chờ nước sông Hàm Luông rút xuống vào buổi chiều mới có thể đưa thợ lặn xuống các cống bên dưới mặt đường để tìm nguyên nhân”.
Thực ra sự lo ngại liên quan đến cầu Hàm Luông không chỉ từ một sự cố trên. Liên tục trong nhiều tháng nay, người dân chứng kiến việc dặm vá, sửa chữa diễn ra thường xuyên trên mặt cầu này, ở những điểm lót đệm cao su tiếp nối giữa các nhịp cầu.
|
Ngay trong chiều 2.10, khi đi ghi nhận sự cố về hố sâu đã nêu, chúng tôi còn chứng kiến 2 công nhân dùng khoan bê tông phá bỏ những mảng bê tông không đủ chất lượng tại một trong những điểm tiếp nối trên cầu. Trả lời câu hỏi của chúng tôi, một công nhân cho biết họ phải làm lại bê tông mới có thể giữ chắc bù-lon bắt đệm cao su. Nhiều người dân thường xuyên qua lại cầu cho biết hiện tượng như trên đã xuất hiện chỉ 1 tuần sau khi thông cầu và kéo dài cho đến nay.
Cần nhắc lại rằng, cầu Hàm Luông mới được khánh thành, đưa vào sử dụng cùng ngày với cầu Cần Thơ (24.4.2010). Cầu được đầu tư xây dựng với kinh phí trên 780 tỉ đồng, là cầu lớn thứ 2 tại Bến Tre và lớn thứ 4 tại khu vực ĐBSCL, được ghi nhận đạt 3 kỷ lục: giải phóng mặt bằng sớm, công nghệ đúc hẫng cân bằng vượt khẩu độ 150m, lớn nhất VN và kỷ lục về tiến độ thi công, hoàn thành trước 3 tháng so với kế hoạch...
Một công trình tầm cỡ như thế lại xảy ra sự cố cùng những hiện tượng nêu trên thì không thể không lo ngại về chất lượng.
Nguyễn Khoa Chiến
Bình luận (0)