|
Ngay trong buổi chiều cùng ngày Báo Thanh Niên đăng bài về hiện vật lạ trong di tích quốc gia đền Phù Đổng (3.3), Sở VH-TT-DL đã mời một số phóng viên đến để thông tin về việc này.
Các hiện vật gồm roi, bộ áo giáp và ngựa - những vật liên quan đến Thánh Gióng được mô tả trong truyền thuyết. Theo ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Hà Nội, phía H.Gia Lâm đã nhận thiếu sót trong công tác quản lý di tích trên địa bàn. Sở cũng đã thống nhất với UBND huyện yêu cầu UBND xã và Ban quản lý di tích tổ chức di chuyển các đồ thờ đã tiếp nhận chưa đúng quy định. Trưởng ban và tập thể Ban quản lý di tích đền Phù Đổng cũng phải tiến hành kiểm điểm trách nhiệm, báo cáo với thành phố trong tháng 3.2014.
Cho tới ngày 25.3, hiện vật tượng ngựa đã được di dời khỏi chỗ cũ trong đền Phù Đổng. Tuy nhiên, chỗ mới của ngựa chỉ cách chỗ cũ chừng 50 m và vẫn trong di tích quốc gia này. Tượng được đặt trên một bục có vẻ mới được xây. Phía trước tượng là một lư hương lớn bằng đá, đã thấy có thắp hương. Theo luật Di sản, nếu không được phép của Cục Di sản, việc chuyển chỗ của ngựa như vậy vẫn phạm luật.
“Hiện vật vẫn ở trong di tích thì phải di dời đi thôi. Đã sai rồi thì phải sửa. Mà sửa thì phải sửa cho triệt để. Đừng để nhân dân bàn tán nữa. Không thì báo chí lại lên tiếng và nhân dân lại thắc mắc”, PGS Đặng Văn Bài, nguyên Cục trưởng Cục Di sản nói.
|
Đối phó
PGS Nguyễn Văn Huy, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia, lại cho rằng cần quan tâm đến cả nhóm hiện vật chứ không chỉ mình tượng ngựa. “Căn bản nhất là nó không phù hợp cảnh quan, làm biến dạng di tích. Nó cũng không phù hợp với cách tư duy về hình tượng, biểu tượng của ông Gióng. Chưa kể, ở đây, trong đền của mình chất liệu chủ yếu bằng gỗ, tự dưng đưa các chất liệu mới vào nó kệch cỡm. Đó là cấy một cái mới vào di tích cổ bằng một chất liệu khác, tư duy khác không phù hợp”, ông Huy nói.
GS Lê Hồng Lý, Viện trưởng Viện Văn hóa, cũng cho rằng không nên để hiện vật lạ này trong di tích. Những yếu tố di tích của đền Phù Đổng, theo ông, đã trở thành khuôn mẫu. Vì thế, nếu muốn thay đổi chỉ thay đổi những thứ hỏng hóc và cũng phải thay đúng như hiện vật gốc, di tích gốc. “Chuyển từ chỗ nọ sang chỗ kia vẫn phá vỡ tổng thể của di tích. Chẳng qua đó như một sự đối phó của địa phương”, GS Lý nói.
Được hỏi về việc nếu nhân dân muốn để nhóm hiện vật tại di tích thì sao, PGS Đặng Văn Bài cho hay: “Nhân dân muốn nhưng nhân dân không được làm sai luật. Nếu cứ để nhân dân muốn sai luật thì còn coi thượng tôn pháp luật là gì. Nguyện vọng không đúng luật sao lại đáp ứng. Có hai cái ở đây. Một là pháp luật, hai là đạo lý dân tộc. Theo tôi cả hai cái đó đều không đáp ứng. Luật sai thì rõ rồi. Còn đạo lý dân tộc, ông làm sai thì mất linh thiêng, còn đạo lý gì nữa”..
Nguyệt Ánh - An Nguyễn - Trinh Nguyễn
>> Hiện vật 'lạ' ở đền Phù Đổng: Kiểm điểm trách nhiệm Ban Quản lý di tích đền
>> Hiện vật 'lạ' ở đền Phù Đổng
Bình luận (0)