Hiếp dâm là một thứ vũ khí chiến tranh

20/06/2008 15:55 GMT+7

(TNO) Điều này đã được tất cả 15 thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ) nhất trí trong một nghị quyết được thông qua ngày 19.6. Nghị quyết nêu rõ hành vi hiếp dâm đã được sử dụng một cách có chủ ý ở các vùng có chiến tranh, xung đột và điều này đe dọa đến an ninh quốc tế.

Tổng thư ký LHQ, ông Ban Ki-Moon nhấn mạnh hiếp dâm phụ nữ ở một số khu vực xung đột phổ biến ở mức “không thể nói ra được”.

Nghị quyết xác định rõ bạo lực tình dục “là một chiến thuật của chiến tranh để làm nhục, khống chế, reo rắc nỗi sợ hãi, tung tin hoặc buộc các thành viên trong một cộng đồng hoặc nhóm thiểu số phải rời khỏi chỗ ở”.

Hội đồng Bảo an cũng nhất trí rằng tình trạng hiếp dâm có thể làm trầm trọng thêm các cuộc bạo động có vũ trang và có thể ngăn cản tiến trình tái lập hòa bình và an ninh quốc tế.

Hãng tin BBC dẫn lời cựu tư lệnh lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ tại CHDC Congo, tướng Patrick Cammaert: “Đó là một thứ vũ khí rất hiệu quả, bởi vì cả cộng đồng dân cư có thể bị nó làm tê liệt hoàn toàn”.

Chỉ tính riêng tại CHDC Congo, ước tính mỗi ngày trôi qua, có khoảng 40 phụ nữ bị cưỡng hiếp.

Ngoài ra, Nam Tư cũ, khu vực Dafur (Sudan), Rwanda và Liberia được xem là những nơi xảy ra tình trạng hiếp dâm lan tràn và tồi tệ nhất.

Trong không ít trường hợp, chính thành viên lực lượng gìn giữ hòa bình được phái đến để bảo vệ cư dân trong các vùng xung đột lại gây ra tội ác. Trong thời gian qua, các phương tiện truyền thông đại chúng đưa tin về tình trạng binh lính quốc tế hiếp dâm phụ nữ tại hàng loạt điểm nóng trên thế giới.

LHQ đã nhất trí thành lập một nhóm điều tra về thực trạng hiếp dâm ở các vùng xung đột cũng như tìm giải pháp giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, phải đến tháng 6 năm sau, công việc của nhóm này dự kiến mới hoàn thành.

Tổng thư ký LHQ Ban Ki-Moon nhấn mạnh: “Chỉ có thể giải quyết cuộc chiến tranh thầm lặng chống lại phụ nữ và các em gái này bằng các nỗ lực ở cấp lãnh đạo quốc gia”.

Nguyên nhân khiến cho tội ác xảy ra lan tràn không quá khó hiểu: hầu hết các nạn nhân vì sợ, vì nhục nhã mà không dám tố cáo kẻ thủ ác. Trong nhiều trường hợp, họ không thể tố cáo vì thấp cổ bé họng. Ngoài ra, sự nhắm mắt làm ngơ của những người có trách nhiệm càng làm cho tình hình thêm tồi tệ.

Đoan Nhật

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.