Hiệp định về Biển cả là dấu mốc lịch sử

22/09/2023 05:00 GMT+7

Ngày 20.9, trong khuôn khổ hoạt động của kỳ họp Đại hội đồng LHQ khóa 78 tại New York (Mỹ), Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã ký Hiệp định về Bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học ở vùng biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia, còn gọi là Hiệp định về Biển cả.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết hiệp định này là một trong những điều ước quốc tế được chú ý nhất trong thập niên qua. 

Hiệp định về Biển cả là dấu mốc lịch sử - Ảnh 1.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã ký Hiệp định về Bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học ở vùng biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia

TTXVN

Đối với Việt Nam, hiệp định mang nhiều ý nghĩa quan trọng. Thứ nhất, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên tham gia ký kết trong khuôn khổ chuyến làm việc của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng LHQ, truyền đi thông điệp mạnh mẽ về việc Việt Nam là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, chung tay cùng các quốc gia trên thế giới giải quyết các vấn đề toàn cầu, đóng góp vào hòa bình, thịnh vượng và phát triển bền vững.

Thứ hai, hiệp định tiếp tục củng cố hệ thống văn bản pháp lý dựa trên Công ước của LHQ về luật Biển (UNCLOS) 1982 trong việc quản trị các vùng biển và đại dương, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

Thứ ba, hiệp định mở ra cơ hội cho Việt Nam và các nước đang phát triển khác được tham gia nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ biển...

Thứ tư, hiệp định tạo ra và khuyến khích những cơ chế hợp tác quốc tế, hợp tác biển khu vực nhằm mục tiêu bảo tồn, chia sẻ lợi ích từ nguồn gien biển. Đó là những cơ hội để Việt Nam có thể thúc đẩy hợp tác, tăng cường đan xen lợi ích, góp phần bảo vệ tổ quốc từ sớm, từ xa.

Thứ năm, Việt Nam tham gia tiến trình đàm phán ngay từ đầu, và có những đóng góp thực chất trong các nội dung liên quan đến xây dựng năng lực, chuyển giao công nghệ, thành lập các khu bảo tồn biển. Điều này góp phần thực hiện tầm nhìn của Chiến lược biển Việt Nam về "tham gia chủ động và có trách nhiệm vào giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực về biển và đại dương", thực hiện chủ trương phấn đấu đóng vai trò "nòng cốt, dẫn dắt, hòa giải tại các diễn đàn đa phương có tầm quan trọng chiến lược đối với đất nước", nêu tại Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.