Hiệp hội Blockchain Việt Nam đồng hành cùng TP.HCM trong Tuần lễ Chuyển đổi số

10/10/2022 14:25 GMT+7

Ngày 14.10, Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) sẽ tổ chức Hội thảo với tên gọi “Blockchain trong ứng dụng số đa ngành” nằm trong khuôn khổ chương trình “Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số TP.HCM năm 2022”.

Tuần lễ diễn ra từ ngày 8 - 14.10 với chủ đề “Chuyển đổi số - động lực mới cho phát triển của Thành phố” tại Trung tâm Sự kiện White Palace. Trong đó, hai ngày chính của Tuần lễ là ngày 13, 14/10 là chuỗi sự kiện có sự góp mặt của các lãnh đạo trung ương và các địa phương khác, các tọa đàm về chuyển đổi số, triển lãm sản phẩm công nghệ, các sự kiện kết nối doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, cũng như các cuộc thi trao thưởng cho những tổ chức, cá nhân có đóng góp cho hệ sinh thái chuyển đổi số của Thành phố.

Ông Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố

Ảnh: Trang tin điện tử Đảng bộ TP.HCM

Phát biểu tại họp báo ra mắt sự kiện, ông Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố cho biết ngày 10.10 hằng năm chính thức được công nhận là ngày Chuyển đổi số Quốc gia. Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và Chuyển đổi số TP.HCM 2022 là chuỗi sự kiện nhằm giới thiệu, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tìm ra được những sản phẩm, những nhóm khởi nghiệp tiềm năng đồng thời thúc đẩy chuyển đổi số.

Ông Lâm Đình Thắng - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh mục tiêu của tuần lễ là mong muốn phát động tuyên truyền, phổ biến thông điệp của Chính phủ về chuyển đổi số, cũng như thúc đẩy việc tìm giải pháp công nghệ, đổi mới sáng tạo trong cuộc sống, đặc biệt là khu vực công, y tế, giáo dục. Hơn nữa, tuần lễ Chuyển đổi số cũng là dịp để thu hút sự quan tâm của các cá nhân, nhóm nghiên cứu, doanh nghiệp trong và ngoài nước để hỗ trợ Thành phố trong công cuộc chuyển đổi số.

Blockchain - “chìa khóa vàng” của chuyển đổi số

Theo Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Chu Vân Hải, Tuần lễ sẽ có khoảng 30 sự kiện, bao gồm các sự kiện kết nối, các hoạt động tổng kết cuộc thi, triển lãm, lễ trao thưởng… Trong số 30 sự kiện tại Tuần lễ Chuyển đổi số TP.HCM, Hiệp hội Blockchain Việt Nam hân hạnh đồng hành cùng TP.HCM chủ trì Hội thảo “Blockchain trong ứng dụng số đa ngành” nhằm tạo ra diễn đàn thảo luận, kết nối các doanh nghiệp quan tâm đến ứng dụng công nghệ blockchain để tối ưu hóa quy trình kinh doanh, đưa ra các giải pháp, dịch vụ thiết thực phục vụ đời sống xã hội.

Ông Lâm Đình Thắng - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông

Ảnh: Trang tin điện tử Đảng bộ TP.HCM

Giữa rất nhiều công nghệ tiềm năng, blockchain nổi lên trong những năm gần đây với bản chất là công nghệ lưu trữ dữ liệu theo cách phân tán, minh bạch, được xem là “chìa khóa vàng” cho doanh nghiệp trong chuyển đổi số khi có thể ứng dụng vào nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau, tiết kiệm nguồn nhân lực và cắt giảm những quy trình phức tạp. Nhờ khả năng đảm bảo tính toàn vẹn dữ liệu, blockchain cũng là một trong những công nghệ hàng đầu cho công cuộc xây dựng đô thị thông minh, góp phần tăng cường sức mạnh của Cơ sở dữ liệu quốc gia, giúp liên thông hệ thống dữ liệu giữa các cấp, các đơn vị một cách hiệu quả.

Trong thời gian qua, TP.HCM đã có nhiều chủ trương, chính sách đầu tư và thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và gần đây nhất là chuyển đổi số. Theo đánh giá của Techinasia năm 2019: “Việt Nam sở hữu một trong những hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST tăng nhanh nhất thế giới” và TP.HCM nằm trong Top 200 hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năng động nhất toàn cầu với thứ hạng 179 trong năm 2021, tăng 21 bậc so với năm 2020.

Việc ứng dụng blockchain phù hợp với mục tiêu phát triển của TP.HCM - một trong những đô thị lớn tại Việt Nam đang thu hút nguồn vốn đầu tư từ đông đảo các cá nhân, doanh nghiệp có ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. TP.HCM tiên phong triển khai Đề án xây dựng đô thị thông minh và ban hành chương trình Chuyển đổi số với tầm nhìn đổi mới toàn diện hoạt động của bộ máy chính quyền số, doanh nghiệp số và sự thịnh vượng, văn minh của một xã hội số cho đến năm 2030.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.