'Hiệp sĩ đường phố' ở Bình Dương hoạt động thế nào?

Đỗ Trường
Đỗ Trường
13/01/2019 05:29 GMT+7

Bình Dương hiện có 84 đội xung kích phòng chống tội phạm hay còn gọi là đội “hiệp sĩ” đang hoạt động trên địa bàn, đặt dưới sự quản lý của chính quyền cấp xã và sự hỗ trợ của công an.

Mô hình "hiệp sĩ" phủ kín 91/91 xã, phường

[VIDEO] Các "hiệp sĩ" ở Bình Dương bắt người cướp xe máy khi đi tắm suối - Video tư liệu
Theo báo cáo của Công an tỉnh Bình Dương, Câu lạc bộ (CLB) xung kích phòng chống tội phạm (PCTP) đầu tiên trên địa bàn được thành lập vào ngày 1.6.1997 với tên gọi ban đầu là “Đội dân quân tự vệ giữ gìn trật tự công cộng và vây bắt các đối tượng trộm, cướp, cướp giật” thí điểm ở P.Phú Hòa và P.Phú Cường (TP.Thủ Dầu Một).
Qua gần 20 năm hoạt động, mô hình CLB PCTP đã phát triển rộng khắp, trở thành mô hình tiêu biểu trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, góp phần giữ vững ổn định an ninh trật tự trên địa bàn.
Tính đến nay, Bình Dương có 91/91 xã phường, thị trấn thành lập CLB PCTP với 3.248 thành viên, ban chủ nhiệm và hội viên.
Tổ chức CLB PCTP bao gồm: đội tuyên truyền pháp luật và đội xung kích PCTP. Trong đó, đội xung kích PCTP chính là những người tình nguyện tham gia truy bắt các đối tượng phạm pháp. Hiện Bình Dương có 84/91 xã, phường thành lập Đội xung kích PCTP với 1.508 đội viên.
Theo Công an tỉnh Bình Dương, trong 3 năm (từ 2016 - 2018), các đội xung kích PCTP đã đạt nhiều thành tích trong hỗ trợ lực lượng công an truy bắt các đối tượng phạm tội, tổ chức tuần tra, kiểm soát hơn 18.000 cuộc với hơn 96.000 lượt người tham gia, qua đó giúp lực lượng công an phát hiện hơn 1.600 vụ phạm tội quả tang, bắt hơn 3.200 đối tượng.
“Hiệp sĩ” Phú Hòa bắt một nghi can cướp giật vé số của người già ẢNH: ĐỖ TRƯỜNG

Được cấp kinh phí và hỗ trợ phương tiện

[VIDEO] Bắt được Việt kiều Mỹ trộm ô tô Honda Civic ở tòa nhà Becamex Tower - Video tư liệu
Từ năm 2013, UBND tỉnh Bình Dương đã có Quyết định số 34/QĐ-UB ban hành kèm theo quy chế tổ chức, hoạt động của các CLB PCTP trên địa bàn tỉnh.
Theo quyết định này, các “hiệp sĩ” tham gia truy bắt tội phạm được công an các cấp trang bị, tập huấn về kiến thức pháp luật, kỹ năng truy bắt tội phạm và được pháp luật bảo vệ khi xảy ra tai nạn, thương vong về người theo theo quy định tại Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 9.4.2013 của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng.
Bên cạnh đó, căn cứ quyết định của UBND tỉnh, Sở Tài chính Bình Dương cũng đã ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện cấp kinh phí cho các CLB hoạt động (khoảng trên 9,1 tỉ đồng/năm) như: tiền xăng xe đi tuần tra, văn phòng phẩm... Thời gian qua, UBND tỉnh Bình Dương cũng đã quyết định trang bị 11 mô tô 150 cc cho một số CLB ở địa bàn trọng điểm.
Ngoài ra, các thành viên CLB còn được trang bị gậy cao su, găng tay bắt dao... và được khen thưởng bằng tiền mặt sau những vụ bắt trộm, cướp; được hỗ trợ, thăm hỏi (ngoài kinh phí hoạt động thường xuyên) khi bị nạn.
Để củng cố, phát huy hiệu quả của Đội xung kích PCTP, hằng năm, lực lượng công an tổ chức các lớp bồi dưỡng về chức năng, nhiệm vụ đồng thời quán triệt, hướng dẫn nâng cao kiến thức về pháp luật, cách nhận biết, nhận dạng đối tượng phạm tội. Đặc biệt là tập huấn về võ thuật, các tư thế phòng thủ, tấn công khi bắt các đối tượng tội phạm được hiệu quả và an toàn.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.