'Hiệp sĩ' kích bình xe

Phạm Thu Ngân
Phạm Thu Ngân
22/07/2019 07:53 GMT+7

Với tinh thần hào hiệp luôn sẵn sàng giúp đỡ người tham gia giao thông, đại úy Đỗ Tấn Đạt, 36 tuổi, công tác tại Đội CSGT Bàn Cờ, Phòng CSGT đường bộ, đường sắt (PC08) - Công an TP.HCM được nhiều người biết đến.

Gần 1 năm nay, đại úy Đỗ Tấn Đạt là thành viên nhóm SOS với tinh thần “bạn hữu đường xa - hỗ trợ về nhà”. Các thành viên của nhóm rải rác khắp quận, huyện của TP.HCM và các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An, Sóc Trăng... Đây là nơi kết nối thân tình của các tài xế nhiều ngành nghề khác nhau. Thông qua mạng xã hội, các thành viên luôn cập nhật thông tin, kiến thức bảo quản xe, lái xe an toàn, chia sẻ thông tin giao thông và sẵn sàng đi hỗ trợ người tham gia giao thông khi cần được giúp đỡ, dù bất cứ thời gian, địa điểm nào.

Kích bình miễn phí hơn 200 trường hợp

Một trong những hành động nghĩa hiệp của nhóm SOS là thường xuyên đi kích bình ắc quy cho các loại xe bị chết máy khi lưu thông trên đường. Đại úy Đỗ Tấn Đạt là người có “thâm niên” nhất, bởi anh thường xuyên “ra tay nghĩa hiệp” từ năm 2017, trước cả khi tham gia vào nhóm SOS. “Lúc trước mình cũng có mua bình kích cho cá nhân xài. Đến khi trên đường thấy nhiều người đi xe bị chết máy vì hết bình ắc quy, mình cũng tranh thủ hỗ trợ. Đa số những cuộc gọi diễn ra vào lúc mình nghỉ ngơi, ngoài ra còn những sự cố trên đường mình phát hiện lúc tuần tra, mình cũng hỗ trợ”, anh kể.
Thấy mọi người gặp sự cố ngoài ý muốn, thì mình hỗ trợ trong thời gian cho phép thôi
Đại úy Đỗ Tấn Đạt
Trong thời gian “ra tay nghĩa hiệp”, đại úy Đỗ Tấn Đạt đăng số điện thoại cá nhân (0938260383) trên mạng xã hội và trong một số nhóm của các tài xế chuyên hỗ trợ giao thông, nên “mối” của anh mỗi ngày một nhiều. Đến thời điểm này, anh Đạt đã trực tiếp hỗ trợ kích abình miễn phí hơn 200 trường hợp với đủ loại phương tiện.
Đại úy Đỗ Tấn Đạt chia sẻ rằng anh muốn tài xế gặp sự cố trên đường được hỗ trợ nhanh chóng, đặc biệt là vào thời điểm đêm khuya, trời mưa. “Có hôm một chú đi đường điện cho mình, hỏi mình ở bên kích bình phải không và nói đến kích. Mình mặc đồ công an chạy qua luôn, chú này sững sờ tưởng công an đến phạt lỗi đậu xe nên phân trần. Xong mình nói con là người đi hỗ trợ kích bình đây, thì chú mới định thần lại. Có những vụ ở nơi xa, đêm khuya, mình chạy từ nhà lên đến nơi thì người cần được hỗ trợ đã đi mất, có thể xe họ đã nổ máy lại nhưng họ cũng không điện mình. Những lúc đó mình thấy hụt hẫng, cảm giác như là con bị bỏ giữa chợ vậy”, anh Đạt chia sẻ.

Lan tỏa hành động nghĩa hiệp

Nhóm SOS chuyên kích bình xe hiện tại có hơn 200 thành viên hỗ trợ, số lượng thành viên tăng liên tục mỗi ngày. Bình kích hay những dụng cụ hỗ trợ khác đều do các thành viên tự bỏ tiền mua, và họ không nhận thêm chi phí nào từ người được hỗ trợ.
Tinh thần nghĩa hiệp của đại úy Đỗ Tấn Đạt lan tỏa đến các thành viên của nhóm SOS, và ai cũng sẵn sàng “tác chiến” khi có người cần hỗ trợ. Khi được hỏi tại sao vẫn làm công việc vừa tốn công, tốn tiền và đôi khi còn khiến mình buồn lòng như thế, đại úy Đạt chia sẻ: “Việc tốt mà. Thấy mọi người gặp sự cố ngoài ý muốn, thì mình hỗ trợ trong thời gian cho phép thôi”.
Theo chia sẻ của đại úy Đỗ Tấn Đạt, qua những việc giúp đỡ người đi đường như vậy, anh mong muốn góp phần xóa bỏ thành kiến trong mối quan hệ giữa những người tài xế và CSGT, qua đó lan tỏa hành động nghĩa hiệp đến với nhiều người.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.