(TNO) Hiệp ước quốc phòng ký kết giữa Mỹ và Philippines hồi năm 2014 nhằm đối phó với Trung Quốc ở Biển Đông có nguy cơ bị phá sản, Reuters ngày 18.6 cho hay.
Binh sĩ Mỹ và Philippines tập trận chung năm 2011 - Ảnh: AFP
|
Hiệp ước hợp tác tăng cường quốc phòng (EDCA) cho phép Mỹ sừ dụng căn cứ quân sự của Philippines và xây dựng các trạm, cơ sở hạ tầng tiếp tế nhiên liệu và lắp đặt thiết bị cho nhu cầu an ninh trên biển của Washington.
Tuy nhiên, hiệp ước hiện bị đóng băng vì các chính trị gia đối lập của Philippines tìm cách ngăn cản và có thể bị huỷ bỏ nếu toà án nước này không thừa nhận.
Năm 2014, các chính trị gia đối lập đưa ký kết của Manila và Washington ra toà án tối cao. Theo Reuters, toà tối cao sẽ xem xét và dự kiến đưa ra phán quyết trước khi Tổng thống Mỹ Barack Obama thăm Philippines nhân hội nghị thượng đỉnh Châu Á - Thái Bình Dương vào tháng 11.2015.
EDCA được ký từ tháng 4.2014. Hiệp ước phải được Quốc hội Philippines thông qua. Tuy nhiên, một rắc rối khác xảy ra đối với Manila khi 13 nghị sĩ ở thượng viện kiến nghị phải xem xét kỹ EDCA trước khi có hiệu lực.
“Trong kiến nghị, chúng tôi nói rằng chúng tôi sẽ không để (chính phủ) làm suy giảm quyền lực của thượng viện”, nghị sĩ Miriam Santiago, tác giả chính của bản kiến nghị, phát biểu trong thông cáo.
Kiến nghị sẽ được xem xét vào cuối tháng 7 khi thượng viện nhóm họp trở lại sau kỳ nghỉ. Tổng thống Philippines, Benigno Aquino III đứng trước áp lực buộc phải cho phép các nghị sĩ tranh luận về hiệp ước EDCA, và rất có thể họ sẽ trì hoãn hiệp ước này lâu thêm.
Phiippines sẽ tổ chức bầu cử vào tháng 5.2016, Tổng thống Aquino sắp hết nhiệm kỳ trong khi hiến pháp Philippines chỉ cho phép một người nắm giữ chức vụ tổng thống trong một nhiệm kỳ 6 năm, Reuters cho biết. Điều này càng trở nên thách thức đối với EDCA.
“Ông Aquino đang mất dần quyền lực đối với thượng viện”, Ramon Casiple, một chuyên gia chính trị phát biểu với Reuters.
EDCA bị trì hoãn càng lâu sẽ khiến Washington càng thêm khó chịu, các chuyên gia nhận định. Trong khi đó, Philippines lên tiếng chỉ trích Bắc Kinh nhiều nhất trong tranh chấp Biển Đông và thúc giục Mỹ tham gia vào vấn đề ở Biển Đông để làm đối trọng với Trung Quốc, nhất là trong bối cảnh Bắc Kinh đẩy mạnh xây dựng đảo nhân tạo phi pháp trên Biển Đông.
Không chỉ với Mỹ, các nghị sĩ của Philippines cũng muốn xem xét thoả thuận với Nhật Bản. Giống như hiệp ước EDCA đối với Washington, Manila cũng có kế hoạch cho phép Tokyo sử dụng căn cứ quân sự để tiếp tế nhiên liệu.
Bình luận (0)