Hiểu biết khi thực hiện quyền

01/02/2018 05:03 GMT+7

Biết rằng, hành vi môi giới, mua, bán dâm tại VN không được thừa nhận và chưa được hợp pháp hóa dịch vụ nhưng quy định pháp luật liên quan, đối với hành vi môi giới tùy mức độ thì xử lý hành chính hoặc hình sự; còn hành vi mua, bán dâm, cao nhất cũng chỉ bị xử phạt hành chính theo điều 22, 23 Nghị định 167/2013/NĐ-CP.

Ngoài ra, điều 72 luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 đã viện dẫn chi tiết, cụ thể, rằng chỉ cho phép công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng việc xử phạt đối với cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính về “an toàn thực phẩm; chất lượng sản phẩm, hàng hóa; dược; khám bệnh, chữa bệnh; lao động; xây dựng; bảo hiểm xã hội; bảo hiểm y tế; bảo vệ môi trường; thuế; chứng khoán; sở hữu trí tuệ; đo lường; sản xuất, buôn bán hàng giả” mà gây hậu quả lớn hoặc gây ảnh hưởng xấu về dư luận xã hội.
Hơn nữa, tại điều 72 cũng chỉ nêu việc công bố công khai được thực hiện trên trang thông tin điện tử hoặc báo của cơ quan quản lý cấp bộ, cấp sở hoặc của UBND cấp tỉnh nơi xảy ra vi phạm hành chính.
Không có quy định nào cho phép, buộc công khai quyết định xử phạt hành chính, “bêu tên” người có hành vi môi giới, mua bán dâm bằng hình thức đọc thông báo tại nơi công cộng.
Bản thân cán bộ, công chức khi được nhà nước trao quyền nhất định thì anh phải hiểu, phải biết mình được thực hiện quyền và nghĩa vụ như thế nào. Tuy nhiên, chính hành vi “bêu tên người mua, bán dâm ngoài đường” của Công an TT.Dương Đông (H.Phú Quốc, Kiên Giang) không những sai quy định pháp luật mà còn xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín cá nhân của người liên quan được Hiến pháp và bộ luật Dân sự 2015 bảo vệ.
Công an TT.Dương Đông lý giải việc đọc danh tính, hoàn cảnh nhân thân, mô tả hành vi mua bán dâm của 4 cá nhân chỉ với mục đích để họ đi nộp phạt, tuyên truyền, giáo dục răn đe với mọi người nên cơ quan công an tìm đến khu vực đông dân cư công bố quyết định là biện minh cho sự thiếu hiểu biết, không nắm rõ các quy định pháp luật. Hệ lụy không lường trước là xúc phạm danh dự, nhân phẩm của công dân.
Việc sai phạm không chỉ đối với 1 người, mà 4 người; sự “lan tỏa” vi phạm không phải chỉ tại một địa phương, mà hiện đang gây bức xúc, bất bình trong dư luận. Như vậy, các yếu tố này đã đủ căn cứ xử lý hình sự hành vi “làm nhục người khác”, đó là chưa kể yếu tố lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm nhục người khác. Mọi chuyện đã rõ, dư luận đang chờ các cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý ra sao...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.