Đau là sự trải nghiệm về cảm giác và cảm xúc khó chịu kết hợp với một tổn thương mô có sẵn hay tiềm tàng. Bất cứ ai cũng trải qua nhiều lần cảm giác đau trong đời. Thế nhưng, hiểu đúng về đau, phân loại được các cơn đau và biết cách kiểm soát các bệnh lý đau hiệu quả thì lại là điều không phải ai cũng biết.
Tùy mức độ cơn đau khác nhau mà đau sẽ gây ra những ảnh hưởng nhất định đến cuộc sống
ảnh: shutterstock |
Đặc biệt, với những người công tác trong ngành y, việc định lượng và kiểm soát tốt bệnh lý đau rất quan trọng trong công tác điều trị và có ý nghĩa rất quan trọng với chất lượng đời sống bệnh nhân.
Bệnh lý đau: Nỗi “ám ảnh” với nhiều người
Hiệp hội Nghiên cứu đau quốc tế (International Association for the Study of Pain - IASP) định nghĩa: Đau là sự trải nghiệm về cảm giác và cảm xúc khó chịu kết hợp với một tổn thương mô có sẵn hay tiềm tàng. Như vậy đau vừa có tính thực thể, là một cảm giác báo hiệu một tổn thương thực thể tại chỗ, lại vừa mang tính chủ quan tâm lý, bao gồm cả những chứng đau tưởng tượng, đau không có căn nguyên hay gặp trên lâm sàng.
Với những cơn đau có thật (loại trừ chứng đau tưởng tượng), có thể phân chia đau thành hai nhóm: Đau thụ cảm và đau do nguyên nhân thần kinh. Trong đó đau thụ cảm là đau do tác động đến các thụ thể đau trên cơ thể (ví dụ đau xương và mô mềm, đau tạng...); và đau do nguyên nhân thần kinh là đau khởi phát hoặc gây ra do tổn thương hoặc rối loạn chức năng của hệ thần kinh cảm giác cơ thể.
Hội thảo thuốc với chuyên đề Hiểu đúng về các bệnh lý đau do Pfizer
tổ chức giúp các dược sĩ hiểu rõ và kiểm soát các bệnh lý đau hiệu quả hơn - Ảnh: M.A |
Kiểm soát các bệnh lý đau hiệu quả
|
Thực tế, để có thể kiểm soát hiệu quả các bệnh lý đau, các bác sĩ đều phải thăm khám toàn diện, tìm hiểu nguyên nhân, sau đó thực hiện đầy đủ 3 bước: Làm giảm đau; Điều trị các triệu chứng kèm theo; và sau cùng là Phục hồi chức năng.
TS-BS Tăng Hà Nam Anh (Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình, BV Nguyễn Tri Phương) cho biết: “Với bước thứ nhất Làm giảm đau, bác sĩ sẽ điều trị từ nguyên nhân gây đau, đồng thời có thể cân nhắc chọn những loại thuốc giảm đau tối ưu và phù hợp. Các loại thuốc giảm đau này bệnh nhân tuyệt đối không được tự ý dùng, mà cần theo đúng chỉ định của bác sĩ, dựa trên những yếu tố như có tác dụng nhanh và hiệu quả kéo dài, ít tác dụng phụ, đã qua kiểm chứng chứng minh lâm sàng về hiệu quả và độ an toàn”.
Sau khi đã giảm đau, bệnh nhân cũng cần chú ý không tự ý bỏ nửa chừng quá trình trị liệu khi đã cảm thấy giảm đau, có vẻ như hết đau. Bởi lẽ, việc điều trị bệnh lý đau vẫn sẽ được bác sĩ theo dõi sang bước thứ hai: Điều trị các triệu chứng kèm theo như mất ngủ, rối loạn cảm xúc… Ngoài ra, bước thứ ba Phục hồi chức năng cũng cần được thực hiện, để cho phép bệnh nhân trở lại với các hoạt động trong cuộc sống hằng ngày giúp nâng cao chất lượng cuộc sống người bệnh.
Bình luận (0)