Hiểu đúng về giá trị độc lập, tự do, hạnh phúc

16/06/2022 07:30 GMT+7

Trong tâm trí các thế hệ người Việt Nam yêu nước chân chính, độc lập - tự do - hạnh phúc không chỉ là khát vọng luôn cần phải gìn giữ, bảo vệ, bồi đắp, trao truyền mà còn là kết quả đấu tranh kiên cường, bất khuất để được thụ hưởng và biết trả ơn các bậc tiền bối đã hy sinh cho Tổ quốc.

Dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc

Xuất phát từ mục tiêu độc lập, tự do cho Tổ quốc và mưu cầu hạnh phúc, ấm no cho đồng bào, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã bôn ba qua nhiều châu lục, khảo cứu nhiều con đường cách mạng. Cuối cùng, Hồ Chí Minh lựa chọn con đường Cách mạng vô sản tháng Mười Nga năm 1917, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin là ngọn đuốc soi đường cho dân tộc Việt Nam đi theo, gắn liền độc lập dân tộc với Chủ nghĩa xã hội (CNXH), giải phóng giai cấp, giải phóng con người.

Nhờ quyết tâm của toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng và Hồ Chí Minh, Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, giành lại được độc lập, chấm dứt chế độ phong kiến, ra đời nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ngày 2.9.1945, đưa nhân dân ta từ thân phận nô lệ lên làm chủ cuộc đời.

Tại tòa thị chính ở Paris (Pháp), Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố quyết tâm của toàn dân tộc Việt Nam nhất định không bao giờ chịu làm nô lệ một lần nữa (tháng 9.1946)

TL

Tại sắc lệnh Luật số 50-SL ngày 9.10.1945, lần đầu tiên 6 chữ “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” đứng trang trọng dưới dòng chữ “Việt Nam Dân chủ cộng hòa”. Sở dĩ có 6 chữ đó là “xét vì bắt đầu từ ngày 2.9.1945, nước Việt Nam đã tuyên bố độc lập cho toàn thể quốc dân và thế giới biết. Xét vì ngày 24.8.1945, vua Bảo Đại đã tuyên bố thoái vị và giao chính quyền lại cho Chính phủ dân chủ cộng hòa. Xét vì cần nêu cao một kỷ nguyên mới để đánh dấu vào lịch sử nước ta: độc lập, tự do và hạnh phúc”.

Trả lời một nhà báo nước ngoài (16.7.1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố: “Chính sách đối nội của Việt Nam là dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc”. Trong Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11.6.1948), Người đưa ra việc thực hiện “Dân tộc độc lập, Dân quyền tự do, Dân sinh hạnh phúc”.

“Tự do” và “Hạnh phúc” là kết quả của “Độc lập” nhưng phải là độc lập dân tộc gắn liền với CNXH, bởi vì “Chỉ có Chủ nghĩa cộng sản mới cứu nhân loại, đem lại cho mọi người không phân biệt chủng tộc và nguồn gốc sự tự do, bình đẳng, bác ái, đoàn kết, ấm no trên quả đất, việc làm cho mọi người và vì mọi người, niềm vui, hòa bình, hạnh phúc”. Đó chính là câu trả lời cho những ai có tư tưởng dao động, hoài nghi mà tự hỏi: “Tại sao Việt Nam đi theo CNXH?”!

Nói “Tự do” và “Hạnh phúc” là nói đến người dân được hưởng đầy đủ đời sống vật chất và tinh thần do Chính phủ chăm lo và bản thân mỗi con người biết mưu cầu chính đáng. “Tự do” và “Hạnh phúc” cơ bản nhất, tối thiểu nhất theo Hồ Chí Minh là “đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”; người dân từ chỗ có ăn, có mặc, được học hành đến chỗ ăn ngon, mặc đẹp, đời sống sung túc và cống hiến; “vật chất ngày càng tăng, tinh thần ngày càng tiến, đó là CNXH”. Bởi vậy, trong thư gửi UBND các kỳ, tỉnh, huyện và làng (17.10.1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh nói rõ: “Ngày nay, chúng ta đã xây dựng nên nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Nhưng nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”.

Trách nhiệm xây dựng, bảo vệ Tổ quốc

Đảng, Nhà nước luôn cố gắng chăm lo nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Đồng thời, cũng luôn đòi hỏi ở nhân dân sự chung sức, đồng lòng, thi đua phấn đấu, cống hiến, đóng góp cùng với Đảng, Nhà nước, tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức, luôn vững tin vào tương lai tươi sáng vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Để có độc lập, tự do, cuộc sống thanh bình hôm nay, biết bao thế hệ cán bộ, đảng viên, chiến sĩ đã chiến đấu, hy sinh, cống hiến xương máu.

Do đó, chúng ta chỉ có thể hiểu đúng giá trị của độc lập, tự do, hạnh phúc, khi biết trân trọng quá khứ, nhớ ơn các bậc tiền bối, tin tưởng vào tương lai để ra sức thi đua phấn đấu, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN; một lòng đi theo Đảng, bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên quyết đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch xuyên tạc, chống phá; bảo vệ thành tựu cách mạng Việt Nam. Độc lập, tự do, hạnh phúc luôn gắn với trách nhiệm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, dân tộc, giống nòi Việt Nam; bảo vệ vùng trời, vùng biển đảo, đường biên giới thiêng liêng được xác định bởi công sức, máu xương của tiền nhân.

Không phải ngẫu nhiên mà chúng ta ra sức học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tại Hội thảo quốc tế kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, tổ chức tại Hà Nội tháng 3.1990, một đại biểu quốc tế đã khẳng định: “Cái chung lý tưởng Hồ Chí Minh là muốn cho nhân loại được tự do, hạnh phúc”. Còn Chủ tịch Hội đồng Hòa bình thế giới Romesh Chandra thì đánh giá: “Bất cứ nơi nào chiến đấu cho độc lập tự do, ở đó có Hồ Chí Minh và ngọn cờ Hồ Chí Minh bay cao. Bất cứ ở đâu chiến đấu cho hòa bình công lý, ở đó có Hồ Chí Minh và ngọn cờ Hồ Chí Minh bay cao. Ở bất cứ đâu, nhân dân chiến đấu cho một thế giới mới, chống đói nghèo, ở đó có Hồ Chí Minh và ngọn cờ Hồ Chí Minh bay cao”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.