Hiểu được chết liền !

04/11/2014 07:10 GMT+7

Thí sinh thi hoặc xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ năm nay nhiều khả năng sẽ vượt qua thử thách đầu tiên là đọc, hiểu tường tận phương án tuyển sinh của các trường, trong đó có các tổ hợp môn thi.

 
Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển tại một trường đại học ở TP.HCM - Ảnh minh họa: Đào Ngọc Thạch

Đành rằng giao cho các trường tự chủ tuyển sinh là chấp nhận sự đa dạng nhưng điều đó không đồng nghĩa với cái hỗn loạn, mất trật tự, thiếu cơ sở khoa học, ưng gì làm nấy. Các trường được lựa chọn phương thức tuyển sinh nhưng phải dựa trên những nền tảng, cơ sở chung tránh gây rối loạn, hoang mang cho thí sinh. Thử hỏi một học sinh lớp 12 khi quyết định lựa chọn trường ĐH mà đứng trước một rừng thông tin không cái nào giống cái nào với những tổ hợp môn xét tuyển mà chính những người làm chuyên môn cũng không hiểu nổi (như học tiếng Anh xét tuyển môn sinh, học ngành dược không cần môn hóa...) thì có phải hốt hoảng không? Chỉ chừng đó thôi cũng đủ làm khổ thí sinh.

Mặc dù lãnh đạo Bộ GD-ĐT năm lần bảy lượt nhấn mạnh các trường giữ khối thi truyền thống, xác định tối đa 4 tổ hợp môn trong một ngành nhưng đến nay khi công bố đề án tuyển sinh, vẫn có rất nhiều trường đưa luôn cả chục tổ hợp môn. Vì không phải tổ hợp nào cũng có cơ sở khoa học nên chỉ mỗi chuyện hiểu và nhớ điều này cũng là một thử thách đối với thí sinh.

Khi giải thích, đại diện của nhiều trường đưa ra nhiều lập luận khó thuyết phục kiểu “một thí sinh học được văn cũng không có nghĩa sẽ yếu toán”. Hoặc đưa ra một lý do không thể tốt hơn “do nhầm lẫn khi làm văn bản”. Những lập luận này không khỏi khiến mọi người nghĩ rằng lý do quan trọng để các trường đưa ra các tổ hợp môn thi không hiểu nổi chỉ nhằm một mục đích duy nhất: thêm cơ hội tuyển nhiều thí sinh. Cũng như vậy với tình trạng nhiều trường lên phương án tuyển sinh đã hết sức rộng rãi khi cộng điểm ưu tiên cho cả thí sinh có học lực khá, ưu tiên thí sinh đạt học sinh giỏi cấp tỉnh!

Trước thực trạng hỗn loạn này, Bộ GD-ĐT, hơn bao giờ hết, cần thể hiện vai trò của mình để mọi thứ cần nằm trong những lề thói nhất định. Và hy vọng tình trạng này sẽ sớm được giải quyết trong các năm sau khi một kỳ thi đã đi vào ổn định.

Nhiên An

>> Trường CĐ Kinh tế đối ngoại có 6 tổ hợp môn xét tuyển
>> Môn xét tuyển... không hiểu nổi!
>> Mỗi thí sinh dự kiến có tối đa 9 nguyện vọng xét tuyển ĐH, CĐ
>> Nhiều trường cùng xét tuyển 2 phương án
>> Trường đại học Thủy lợi xét tuyển bắt buộc môn Toán
>> Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch có tiêu chí xét tuyển phụ
>> Trường ĐH Cần Thơ xét tuyển 3 tổ hợp môn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.