Hiệu quả của mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú, nội trú

16/08/2023 12:33 GMT+7

Ngày 16.8, Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Trương Ngọc Khang tại xã Trà Phong, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi tiếp nhận 300 triệu đồng để mua 100 chiếc giường tầng phục vụ học sinh.

Đây là ngôi trường phổ thông dân tộc bán trú THCS được đặt theo tên của Trương Ngọc Khang - một trong những người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Trà Bồng năm 1959.

Trong buổi lễ do UBND huyện Trà Bồng tổ chức, nhà trường tiếp nhận 300 triệu đồng để mua 100 chiếc giường tầng bằng sắt. Số tiền này do các tổ chức và cá nhân ở TP.HCM trao tặng nhân đón năm học mới cho 180 học sinh người dân tộc Cor.

Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã về dự và trực tiếp trao quà tặng tại buổi lễ.

Thêm một trường phổ thông dân tộc bán trú ở Quảng Ngãi - Ảnh 1.

Nguyên Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình (thứ tư, từ trái qua, hàng sau) trao quà cho học sinh Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Trương Ngọc Khang

PHẠM ANH

Cho tới bây giờ, chúng ta đã thấy được hiệu quả của các trường phổ thông nội trú, bán trú dân tộc miền núi. Mô hình trường này giúp cho con em các dân tộc miền núi có điều kiện theo học, bảo đảm tới tốt nghiệp THPT. Từ đó, các con em người dân tộc có thể tiếp tục học lên đại học hoặc theo học các trường cao đẳng, trung cấp để khi ra trường có kiến thức về nghề, có thể được nhận vào làm việc ở các nhà máy, doanh nghiệp của nhà nước và tư nhân. Đó là cơ hội để những thế hệ trẻ người dân tộc đổi đời, thoát nghèo, vươn tới một đời sống có tri thức.

Muốn có "đầu ra" vững chắc cho các em học sinh người dân tộc miền núi thì việc tổ chức xây dựng các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú là phương án hữu hiệu nhất.

Có 2 nguồn kinh phí có thể giúp cho các trường nội trú, bán trú dân tộc tồn tại và phát triển, đó là nguồn kinh phí của nhà nước và nguồn kinh phí từ xã hội hóa.

Nếu kinh phí nhà nước lo "phần cứng" là xây dựng trường, cung cấp trang thiết bị và trả lương cho giáo viên thì kinh phí "phần mềm" từ nguồn xã hội hóa có thể giúp cho học sinh có điều kiện vật chất tốt hơn để các em yên tâm học tập. Các điều kiện ấy gồm cả việc cải thiện bữa ăn cho học sinh, tặng sách vở học tập, tặng thư viện xanh cho trường để học sinh có sách đọc, rèn luyện kỹ năng đọc sách, xây dựng văn hóa đọc sách.  

Trường dân tộc nội trú THCS tại huyện Sơn Hà có thư viện xanh phục vụ sách cho học sinh dân tộc đọc và lan tỏa kiến thức từ sách. Học sinh ở trường này thích đọc sách, biết tìm sách đọc, biết thuyết trình giới thiệu sách cho bạn học, trao đổi với nhau về nội dung các cuốn sách đã đọc. 

Nếu không có trường nội trú, bán trú dân tộc thì những hoạt động như thế sẽ rất khó có được với các em học sinh dân tộc ngoại trú.

Bây giờ thì tính ưu việt của các trường nội trú, bán trú dân tộc đã thể hiện rõ. Nếu chúng ta mong muốn trẻ em người dân tộc có điều kiện học tập đến nơi đến chốn thì phải có hệ thống trường nội trú, bán trú dân tộc.        

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.