Hiệu quả từ liên kết làm nông của thanh niên Đức Trọng

30/10/2019 07:30 GMT+7

Nhiều thanh niên ở H.Đức Trọng (Lâm Đồng) đã liên kết thực hiện các mô hình sản xuất, tiêu thụ nông sản đã mang lại hiệu quả, ổn định cuộc sống, từng bước vươn lên làm giàu.

Theo chị Nguyễn Thị Định, Phó bí thư Huyện đoàn, Chủ tịch Hội LHTN VN H.Đức Trọng, nhằm mục đích tạo việc làm cho thanh niên, nâng cao thu nhập và phát triển kinh tế cho gia đình, thu hút tập hợp thanh niên vào tổ chức với chủ trương 1+1 do Trung ương Đoàn phát động, Ban thường vụ Huyện đoàn đã tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể từ huyện đến xã thành lập mô hình “Thanh niên chăn nuôi bò thịt - heo lai rừng”. Từ thí điểm đầu tiên ở 2 xã Tân Hội và Ninh Gia, đến nay trên địa bàn H.Đức Trọng đã có 5 tổ hợp tác (THT) thanh niên liên kết chăn nuôi bò thịt, heo lai rừng được thành lập với sự tham gia của hơn 100 đoàn viên thanh niên (ĐVTN).
Tổng số vốn ban đầu là 1 tỉ đồng, trong đó, ĐVTN đối ứng 460 triệu đồng, còn lại là vốn của Ngân hàng chính sách. THT là mô hình liên kết làm ăn mang tính tự nguyện giữa các cá nhân, xuất phát từ nhu cầu của chính những ĐVTN tham gia. Các cá nhân tham gia cùng góp tài sản, công sức để thực hiện công việc và cùng hưởng lợi, cùng chịu trách nhiệm. Cũng theo chị Định, THT hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, dân chủ, tự trang trải các chi phí hoạt động, tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của tổ và các thành viên, thực hiện tốt quy định của Ngân hàng chính sách xã hội huyện.
Nhiều thanh niên ở H.Đức Trọng đã thành công với mô hình liên kết, sản xuất và tiêu thụ nông sản

Nhiều thanh niên ở H.Đức Trọng đã thành công với mô hình liên kết, sản xuất và tiêu thụ nông sản

Ảnh: A.T

Do các thành viên tham gia THT có trình độ, hoàn cảnh và mục đích tương đối giống nhau nên việc hợp tác giữa họ nhằm phát huy tính năng động, sáng tạo, tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau để cùng phát triển thuận lợi. Chính vì vậy, đến nay các mô hình đã thực sự tạo công ăn việc làm ổn định và tăng thu nhập cho các thanh niên. Qua quá trình triển khai mô hình đã mang lại được hiệu quả tích cực, được ĐVTN ủng hộ và được lãnh đạo các cấp, các ngành ghi nhận.
Ngoài các mô hình trên, nhiều thanh niên tại H.Đức Trọng cũng biết liên kết với nhau, liên kết với các doanh nghiệp, nhà nông để phát triển kinh tế. Tiêu biểu như anh Nguyễn Quang Trúc (TT.Liên Nghĩa), mới khởi nghiệp từ năm 2011 với một quán cà phê nhỏ, nhưng nay đã liên kết với hơn 20 hộ nông dân, doanh nghiệp với diện tích hàng chục héc ta để sản xuất và tiêu thụ cà phê sạch. Đến nay Trúc đã phát triển hơn 20 quán cà phê và tiêu thụ hằng tháng từ 3 - 5 tấn cà phê, mang về doanh thu 5 - 6 tỉ đồng mỗi năm. Hay như mô hình hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản của anh Lưu Lập Đức (27 tuổi, TT.Liên Nghĩa) mang lại hiệu quả rất cao. Anh Đức, cho biết: “Mình chọn lĩnh vực nông sản là thế mạnh của địa phương khởi nghiệp. Từ năm 2013 đến nay, mình đã liên kết được 20 hộ nông dân để sản xuất tiêu thụ các loại rau, củ, quả tại địa phương. Việc thực hiện liên kết chặt chẽ đã giúp mình ổn định sản lượng cũng như chất lượng sản phẩm, tự tin giao dịch với các đối tác. Hiện nay, bình quân mỗi năm cung cấp ra thị trường 300 - 400 tấn rau các loại, mang về doanh thu từ 35 - 40 tỉ đồng/năm”.
Bà Phạm Thị Thanh Thúy, Phó chủ tịch UBND H.Đức Trọng đánh giá cao về các mô hình liên kết phát triển kinh tế của thanh niên tại địa phương. “Các mô hình thực sự đã phát huy hiệu quả khá tốt. Thông qua mô hình, các thành viên đã phát huy được niềm đam mê, chí thú làm ăn, góp phần phát triển kinh tế gia đình. Đặc biệt, số lượng và chất lượng sản phẩm từ các mô hình này khá tốt, giá thành tương đối rẻ, đáp ứng việc cạnh tranh trên thị trường hiện nay. Không chỉ vậy, với việc thành công của các mô hình đã góp phần cùng địa phương chung tay thực hiện thắng lợi các tiêu chí xây dựng các xã đạt chuẩn nông thôn mới”, bà Thúy cho hay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.