Hiệu quả từ máy cấy lúa

26/05/2017 11:49 GMT+7

Việc đưa máy cấy lúa vào hoạt động trên một số cánh đồng ở Kiên Giang đã góp phần giúp bà con nông dân cải thiện chất lượng hạt lúa; đồng thời hỗ trợ xuống giống đồng loạt để kịp lịch thời vụ.

Đem lại nhiều lợi ích cho nông dân
Ông Phù Khí Nguyên, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang, cho biết hiện tỉnh đang từng bước đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp nhưng trên thực tế, một số khâu vẫn chưa được áp dụng hoặc đã cơ giới hóa nhưng hiệu quả mang lại chưa cao. Để khắc phục tình trạng trên, vụ hè thu năm 2017, trung tâm phối hợp Công ty TNHH máy nông nghiệp Yamar Việt Nam đưa máy cấy lúa vào hoạt động ở các huyện Giồng Riềng, Gò Quao, Tâm Hiệp, Hòn Đất... Việc làm này nhằm giúp bà con nông dân giảm chi phí sản xuất, giải quyết tình trạng thiếu lao động và tăng hiệu quả canh tác.
“Sử dụng máy cấy lúa sẽ đem lại nhiều cái lợi cho nông dân. Bà con có thời gian chuẩn bị đất chu đáo hơn từ 10 - 15 ngày trong thời gian làm mạ, quản lý được chất lượng mạ để đảm bảo điều kiện cấy. Bên cạnh đó còn kiểm soát được cỏ dại, ốc bươu vàng; cây lúa ít bị sâu bệnh, đổ ngã; tiết kiệm phân bón, thuận tiện thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp… Điều quan trọng nhất là chất lượng hạt giống đồng đều, có thể cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu”, ông Nguyên nói.
Máy cấy lúa sử dụng mạ cây, cấy được 7 hàng, mỗi hàng cách nhau 25 cm. Ưu điểm của máy là dễ di chuyển dưới ruộng cũng như trên bờ, thao tác đơn giản. Trong 2 giờ có thể cấy 1 ha lúa, tốn từ 5 - 6 lít dầu. Nhờ tính năng vượt trội nên mạ được cấy bằng máy thường bén rễ, phục hồi nhanh và phát triển tốt hơn so với cách cấy truyền thống.

tin liên quan

Mần ruộng kiểu Sáu Đức
Một anh Hai lúa ở vựa lúa An Giang mua máy cấy lúa và cả máy san đất sử dụng công nghệ chiếu tia la-de khiến cho ai nấy đều bái phục.
Theo ông Nguyễn Văn Thua (ngụ ấp Hòa Thanh, xã Định Hòa, H.Gò Quao), sau khi sử dụng máy cấy lúa trên ruộng nhà mình, ông thấy những hàng mạ được cấy rất đều, không phải bỏ công dặm như sạ trước đây. Cỏ, ốc bưu vàng cũng ít gây hại nên trước mắt làm lợi cho nông dân khoảng 300.000 - 400.000 đồng/công. “Bà con nông dân chỉ mong vụ nào cũng có máy cấy lúa sử dụng để giảm công lao động, tăng năng suất và lợi nhuận”, ông Thua chia sẻ.
Sử dụng máy cấy giúp nhà nông giảm lượng giống gieo sạ đáng kể. Nếu như gieo sạ thường phải dùng từ 150 - 200 kg/ha thì máy cấy lúa chỉ cần 50 kg/ha. Chi phí gieo sạ cũng giảm 2 triệu đồng xuống còn 15 triệu đồng/ha. Quan trọng hơn là dùng máy cấy lúa còn giảm tối thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường do nông dân hạn chế dùng thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ sâu bệnh.
Tiếp tục mở rộng diện tích
Ông Nguyên cho biết trong năm 2018, trung tâm sẽ tiếp tục đưa máy cấy lúa vào hoạt động trên một số cánh đồng ở 4 vùng, gồm: Tứ giác Long Xuyên, tây sông Hậu, U Minh Thượng và cánh đồng lớn ở H.Tân Hiệp. Tùy từng vùng như vùng U Minh Thượng, lúa được cấy trên nền đất nuôi tôm sẽ có loại máy gọn nhẹ phù hợp cho bà con sử dụng. Qua đó, người dân từng vùng thấy được lợi ích của máy cấy lúa để từng bước áp dụng rộng rãi. Hiện có nhiều chương trình hỗ trợ nông dân trong việc cơ giới hóa nông nghiệp như hỗ trợ lãi suất theo Quyết định 68 của Chính phủ hoặc gần đây, một công ty Nhật Bản có dự án đầu tư máy cấy lúa cho một số hợp tác xã. Các hợp tác xã có thể liên kết mua máy cấy, máy làm mạ phục vụ xã viên và làm thêm dịch vụ để mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Tỉnh Kiên Giang đang bước vào vụ lúa hè thu. Cùng với việc chọn giống lúa chất lượng đáp ứng thị trường xuất khẩu, bà con nông dân trong tỉnh, nhất là ở các hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất cũng như mô hình cánh đồng lớn nên liên hệ với Trung tâm Khuyến nông tỉnh để được hỗ trợ ứng dụng cơ giới hóa vào khâu gieo sạ nhằm giúp cho cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt ngay đầu vụ.

tin liên quan

Máy tỉa đậu của nhà nông
Ông Lê Đức Tiếp (thôn Phước Lâm, xã Đại Hồng, H.Đại Lộc, Quảng Nam) đã chế máy tỉa đậu phộng, giúp tiếp kiệm nhiều chi phí trong sản xuất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.