Hiệu quả từ mô hình trồng mận xanh đường bao lưới

12/03/2018 10:24 GMT+7

Với mô hình trồng mận xanh đường bao màng lưới , mỗi năm ông Nguyễn Văn Quyên (51 tuổi, ngụ khóm Đông Bình, P.Đông Phước, TX.Bình Minh, Vĩnh Long) thu lãi trên 300 triệu đồng/năm.

Bao lưới, bao trái cho mận
Sinh ra trong một gia đình thuần nông, từ nhỏ ông Quyên đã gắn bó với ruộng vườn và quyết tâm phải làm giàu trên mảnh đất quê hương. Để tăng thu nhập, năm 1994, ông tận dụng 7 công đất vườn trồng hoa huệ trắng nhưng chỉ được một thời gian, huệ bị nhiễm bệnh chết hàng loạt khiến ông thua lỗ nặng.
Năm 1997, trong lúc loay hoay tìm loại cây mới thay thế, ông Quyên tình cờ phát hiện giống mận xanh đường đang được trồng tại địa phương. Giống mận này do ông Ba Cắc đem về trồng và nhân giống. Sau khi tìm hiểu và học cách trồng, ông quyết định mua hơn 200 cây mận giống về trồng thử trên 2 công đất sau nhà. Sau một thời gian chăm sóc, cây mận xanh đường phát triển tốt và bắt đầu cho trái. “Giống mận này có đặc điểm là ra trái quanh năm, trái to (khoảng 10 trái/kg), đặc ruột, ăn rất ngọt. Thấy khả quan, tôi làm liều phá bỏ diện tích trồng hoa huệ còn lại, chuyển toàn bộ sang trồng mận xanh đường. Tới mùa thu hoạch, mận xanh đường bán được giá cao, thu nhập gấp nhiều lần so với làm ruộng”, ông Quyên chia sẻ.
Đến năm 2016, sâu hại tấn công vườn mận ngày càng nhiều, ông Quyên phải đi khắp nơi học hỏi cách phòng tránh. Thấy mô hình trồng cây ăn trái bao trong màng lưới của nông dân ở H.Bình Tân (Vĩnh Long) khá hiệu quả, ông áp dụng ngay vào vườn mận của mình. Ông đầu tư 35 triệu đồng mua màng lưới phủ vườn mận; đồng thời bao trái bằng bao nilon để có thêm lớp bảo vệ tránh sâu rầy. Mận vừa bao lưới vừa bao trái sẽ có mẫu mã đẹp, vị ngọt, ngon hơn nhiều so với trái trồng thông đường.
Giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật
Theo ông Quyên, ưu điểm của việc dùng màng lưới bao phủ vườn mận là giảm được lượng lớn thuốc bảo vệ thực vật, khoảng cách mỗi lần phun xịt cũng xa nhau, đảm bảo an toàn dư lượng thuốc; đồng thời vẫn hạn chế tối đa các loài sâu bệnh và không bị ruồi vàng đục trái. Trồng mận xanh đường bón rất ít phân, đến khi tiến hành bao trái thì không bón thêm phân nữa. Nhờ đó tiết kiệm được chi phí và mận xanh đường của vườn nhà ông luôn đảm bảo chất lượng.
Mận xanh đường nếu chăm sóc đúng kỹ thuật thì mỗi cây sẽ cho từ 100 - 120 kg trái/vụ, mỗi năm thu hoạch 3 vụ, năng suất toàn vườn từ 40 - 50 tấn/năm. Với giá bán dao động từ 6.000 - 15.000 đồng/kg (tùy mùa thuận, nghịch), sau khi trừ chi phí, ông Quyên lãi trên 300 triệu đồng/năm. Ngoài ra, ông còn tạo việc làm cho hàng trăm lao động với các công việc như bao trái, bao lưới, thu hoạch, lột bọc... thu nhập bình quân mỗi ngày 120.000 đồng/người. Để tăng hiệu quả kinh tế, ông trồng xen trong vườn mận xanh đường nhãn Idor, cam xoàn, bưởi da xanh và mướn thêm 7 công đất trồng bưởi năm roi.
Thấy mô hình trồng mận của ông Quyên mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều hộ dân lân cận đến xin chiết nhánh về trồng. Đến nay, diện tích trồng mận xanh đường tại địa phương đã lên đến 56 ha; trong đó khóm Đông Bình có gần 100 hộ trồng.
Với mô hình trồng mận xanh đường bao màng lưới, ông Quyên đã nhận được bằng khen của UBND tỉnh Vĩnh Long về thành tích sản xuất kinh doanh giỏi và nhiều giấy khen của UBND TX.Bình Minh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.