Những con số ấn tượng sau những cách làm hiệu quả
Nằm trên ốc đảo Long Hựu, xã Long Hựu Tây (H.Cần Đước, Long An) giáp kênh Nước Mặn với địa hình khá thấp, gần biển nên đất đai ở đây bị nhiễm mặn quanh năm, đời sống cư dân còn nhiều khó khăn. Do đó, tấm gương vượt khó thoát nghèo bền vững của người đàn ông bị liệt hai chân tên Lâm Hùng Dũng (54 tuổi, ngụ ấp Mỹ Điền, xã Long Hựu Tây) càng khiến nhiều người cảm phục.
Gia đình ông Dũng không có đất sản xuất, thuộc diện hộ nghèo của xã Long Hựu Tây. Vợ ông làm thuê cho cơ sở nhang gần nhà với đồng lương đắp đổi, trong khi 2 đứa con chuẩn bị kết thúc chương trình học phổ thông. Năm 2020, ông Dũng tham gia Dự án đa dạng sinh kế, thuộc Chương trình giảm nghèo quốc gia. Với 15 triệu đồng hỗ trợ từ dự án, ông mua gà về nuôi. Nhờ chăm sóc tốt, bán có lãi, năm 2023 ông Dũng đã trả được vốn vay và trung bình mỗi tháng ông thu trên 5 triệu đồng. Nhờ đồng lãi này, vợ chồng ông đã chu toàn cho 2 người con học nghề kế toán và cơ điện lạnh sắp ra trường. Từ năm 2023, hộ ông Dũng đã thoát nghèo bền vững.
Bà Đặng Thị Tuyết Nhung, 53 tuổi, làm mẹ đơn thân và thuộc dạng hộ nghèo ở xã Long Hựu Tây. Năm 2019, bà Nhung được hỗ trợ 15 triệu đồng từ dự án thông qua mô hình máy may công nghiệp. Nhờ tham gia dự án này mà bà có tiền trang trải chi tiêu gia đình, lo cho con gái học xong đại học. Hiện, con gái bà đã đi làm và bà vẫn miệt mài với nghề may gia công tại nhà. Sau khi thoát khỏi danh sách hộ nghèo của xã, đời sống gia đình bà Nhung ngày càng sung túc hơn.
Ông Nguyễn Minh Vương, Phó chủ tịch UBND H.Cần Đước, cho biết đầu năm 2023, toàn huyện có 314 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 0,65%), nhưng đến cuối năm đã giảm 85 hộ (đạt hơn 180% chỉ tiêu năm). Hộ cận nghèo của huyện chỉ còn 627 hộ, tỷ lệ 1,30%/tổng số hộ. Đặc biệt, trên địa bàn H.Cần Đước có xã Long Hòa hiện đã hết hộ nghèo.
Theo báo cáo của Sở LĐ-TB-XH Long An, tính đến đầu năm 2024, tổng số hộ nghèo của tỉnh chỉ còn 3.654 hộ, chiếm 0,75%/tổng số hộ, tỷ lệ giảm trong năm 2023 đạt 23,3% (so với 15%/năm của tỉnh giao); Hộ cận nghèo hiện là 9.026 hộ, chiếm 1,86% tổng số hộ dân trong tỉnh.
Nhiều giải pháp phù hợp với người nghèo Long An
Ông Đặng Ngọc Tảo, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH Long An, cho biết do đặc thù của địa phương (không có huyện nghèo) nên tỉnh chỉ thực hiện 6/7 dự án theo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (không thực hiện Dự án 5 vì Long An không có huyện nghèo). Cụ thể, với kinh phí từ ngân sách cấp trong năm 2024 (hơn 65,6 tỉ đồng), Long An triển khai các dự án gồm: Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển; Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; Truyền thông và giảm nghèo về thông tin; Nâng cao năng lực, giám sát, đánh giá chương trình.
Đến nay, 100% các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã hoàn thiện công tác thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 theo đúng yêu cầu tại Quyết định số 1945/QĐ-TTg ngày 18.11.2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Các địa phương đã triển khai xây dựng các mô hình giảm nghèo phù hợp với từng địa bàn, trong đó, chú trọng các chính sách khuyến khích doanh nghiệp và hợp tác xã liên kết phát triển đa dạng các mô hình sản xuất, kinh doanh có sự tham gia của hộ nghèo, cận nghèo; hỗ trợ, khuyến khích các mô hình sản xuất kinh doanh phù hợp với người nghèo, ưu tiên những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn của tỉnh. Nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, phát huy các sáng kiến giảm nghèo dựa vào cộng đồng, từng bước tạo nguồn thu nhập cho các hộ nghèo để nâng cao mức sống bằng hoặc cao hơn bình quân chung cả nước; tập trung đầu tư và tăng cường kết nối vùng khó khăn với vùng đã phát triển; quan tâm hỗ trợ nhà ở, tạo việc làm, đảm bảo các dịch vụ y tế, giáo dục, nước sinh hoạt, vệ sinh môi trường, thông tin và dịch vụ xã hội khác cho người nghèo.
Tuy vậy, theo ông Tảo, công tác tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật về giảm nghèo bền vững đến người dân tại một số nơi còn chưa kịp thời. Việc ban hành văn bản triển khai chậm; một số dự án, tiểu dự án chưa triển khai, tỷ lệ giải ngân thấp. Giai đoạn 2022 - 2025 do Chính phủ sửa đổi Nghị định 38/2023/NĐ-CP thay Nghị định 27/2022/NĐCP, Bộ Tài chính thay thế thông tư 46/2022-TT-BTC bằng Thông tư 55/2023-TTBTC nên việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững gặp khó khăn do các văn bản hướng dẫn của Trung ương thay đổi.
Xuất phát từ thực tiễn, Trung ương đã ban hành cơ chế đặc thù cho địa phương trong việc điều chỉnh nguồn vốn giữa các dự án để chương trình đạt hiệu quả cao hơn, cụ thể: Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 111/2024/QH15 ngày 18.1.2024 về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Trong năm 2023, quỹ Vì người nghèo các cấp trong tỉnh Long An đã xây dựng 276 căn nhà đại đoàn kết với tổng số tiền hơn 14,4 tỉ đồng; sửa chữa 80 căn nhà đại đoàn kết, số tiền 1,5 tỉ đồng. Các hoạt động khác như giúp nhau phát triển sản xuất, khám, chữa bệnh, giúp học sinh học tập… tổng trị giá trên 13,7 tỉ đồng.
Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Long An đã vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ tiền và quà tết cho người nghèo với 2.580 phần quà trị giá 1,78 tỉ đồng; xuất nguồn vận động hỗ trợ phòng, chống Covid -19 hỗ trợ 17.068 hộ dân với số tiền 11,4 tỉ đồng; xuất quỹ Vì người nghèo 600 triệu đồng để tặng 600 phần quà cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn.
Bình luận (0)