Tôi chạy xe ô tô trên quốc lộ 14 và gặp biển báo hết cấm vượt. Tuy nhiên, đoạn đường này chỉ có 2 làn và vạch kẻ đường là màu vàng liền nhau. Vậy gặp trường hợp này tôi có được phép vượt (đè vạch vàng liền nét) hay không?
Bạn đọc Ngọc Thành.
Luật sư tư vấn
Luật sư Lê Văn Hoan (Đoàn luật sư TP.HCM) tư vấn, theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ QCVN 41:2012 của Bộ GTVT thì biển hiệu số 133 "hết cấm vượt". Theo đó, biển này báo cho người lái xe biết hiệu lực của các biển số 125 "cấm vượt" và biển số 126 "cấm ô tô tải vượt" hết tác dụng. Các xe cơ giới được phép vượt nhau, nhưng phải theo quy định về điều kiện cho phép vượt nhau.
Cũng theo quy chuẩn trên, đối với vạch số 30, khi tầm nhìn bị hạn chế vạch liền màu vàng ở trung tâm mặt đường biểu thị không cho phép xe vượt sang bên kia vạch để vượt xe, hoặc chạy đè lên vạch.
Với đường chỉ có 2 làn xe chạy ngược chiều nhau, hoặc mỗi bên có 1 làn dành cho xe có động cơ và 1 làn dành cho xe không có động cơ, hoặc đường 2 chiều có 3 làn xe nhưng tầm nhìn bị hạn chế, thì tại các đoạn đường cong, các đoạn đường nguy hiểm không cho phép vượt xe, đều phải kẻ đường trung tâm nối liền không đứt khúc, vạch trung tâm màu vàng.
Theo điều 14 luật Giao thông đường bộ, quy định không được vượt xe khi đường vòng, đầu dốc và các vị trí có tầm nhìn hạn chế xin vượt chỉ được vượt khi không có chướng ngại vật phía trước, không có xe chạy ngược chiều trong đoạn đường định vượt, xe chạy trước không có tín hiệu vượt xe khác và đã tránh về bên phải.
Như vậy, mặc dù bạn gặp biển "hết cấm vượt", các xe cơ giới được phép vượt nhau, nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn theo quy định về điều kiện cho phép vượt nhau.
Trường hợp vi phạm quy định trên, người điều khiển phương tiện có thể bị xử phạt tiền từ 4 - 6 triệu đồng (điểm d, khoản 5, điều 5 Nghị định 100 năm 2019 được sửa đổi bởi Nghị định 123 năm 2021 của Chính phủ).
Bình luận (0)