Hiệu ứng "cánh bướm"

07/10/2009 01:49 GMT+7

Mùa bão Tây bắc Thái Bình Dương 2009 không theo quy luật hằng năm. Thay vì hoạt động từ giữa tháng 5 đến cuối tháng 11, ngay từ đầu năm bão đã xuất hiện tại vùng biển VN. Từ bão đầu tiên hình thành hôm 3.1.2009, đến nay đã có 18/28 bão hoạt động, trong đó có 16 bão được cấp giấy khai sinh, 10 bão cường độ mạnh, 3 siêu bão.

Thống kê chưa đầy đủ cho biết trong 32 lần đổ bộ lên một số quốc gia, bão làm thiệt mạng trên 700 người, 26 mất tích, tổng thiệt hại vật chất ước tính 5,6 tỉ USD.

Hiện nay hai bão Parma và Melor đang đe dọa Philippines, Đài Loan, Trung Quốc, VN, Nhật Bản. Hiệu ứng cánh bướm - mang tên nhà khí tượng học Nhật Bản Sakuhei Fujiwhara - đang diễn ra giữa chúng. Nói cách khác, Parma đang bị Melor sử dụng chiêu "hấp tinh đại pháp" hút sạch tinh lực về mình. Chiêu này được hiểu: khi hai luồng gió bão có kích thước bất tương, luồng xoáy lớn sẽ ăn tươi nuốt sống luồng tương tác, sáp nhập vào đoạn quỹ đạo chung. Mặc dù cuối cùng hiện tượng ấy ít xảy ra nhưng hiệu ứng Fujiwhara trở nên rõ nét khi hai bão tiếp cận nhau tại quỹ đạo giao nhau trong vòng 1.450 km. Ghi nhận của T2K (Philippines) lúc 5 giờ sáng 6.10 cho thấy các cặp thông số đối ứng giữa hai bão Melor và Parma như sau: gió mạnh 1 giờ 240 km/100 km; đường kính 945 km/760 km; cột sóng biển cao nhất 11,5m /9,4m. Rõ là Melor đang áp đảo Parma.

Hai hôm nay, như trong một trò chơi bí mật, bão Parma bị liên tục đổi hướng, di chuyển rất chậm bởi không thể thoát khỏi vòng cương tỏa của Melor. Nó không ngừng trêu ngươi các nhà dự báo, giỡn mặt nhà chức trách các quốc gia trong vùng. Ngược lại, siêu bão Melor (Hoa Nhài/Malaysia) rất sung mãn, di chuyển rất nhanh trên rãnh ổn định về phía đông bắc và từng lúc tỏa hương quyến dụ sạch tinh lực của "tình thù" Parma (một loại lương khô/Macau).

Lịch sử bão từng diễn ra hiệu ứng này. Năm 2007 bão Hagibis đã bị thu hút về phía đông bắc Philippines bởi bão mạnh Mitag. Năm 2008, ở Nam Ấn Độ Dương, bão Fame bị biến thành quân chư hầu của bão mạnh Gula.

Trở lại hiệu ứng cánh bướm Parma và Melor, chắc rằng Parma sẽ tiếp tục loay hoay tại chỗ và sớm lụi tàn, nếu không còn đủ sức tiến về phía đảo Hải Nam (Trung Quốc) như dự báo độc lập của ECMWF (châu u). Riêng siêu bão Melor, theo dự báo của JMA (Nhật Bản) vẫn thênh thang đường vòng lên biển Nhật Bản, càn quét Tokyo và một số thành phố khác của đảo quốc quê hương ông Sakuhei Fujiwhara, người đã phát hiện hiệu ứng mang tên mình vào năm 1921.

Nếu biết bơi, khi xuống nước, con người sẽ tự do. Với Parma, chúng ta hy vọng có thể thở phào nhẹ nhõm trước hiệu ứng cánh bướm Fujiwhara. Tuy vậy, nói như NCHMF, diễn biến của bão số 10/Parma "còn có thể thay đổi khác với nhận định trên".

Nói cách khác, dự báo là... dự báo. Đề cao cảnh giác bao giờ
cũng hơn!

Đặng Ngọc Khoa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.