Hiệu ứng domino từ 'sự cố Than Quảng Ninh'?

12/04/2021 11:54 GMT+7

Nợ lương, thưởng và phí lót tay cầu thủ trong thời gian dài chứng tỏ CLB Than Quảng Ninh lâm vào khủng hoảng tài chính. Có thể đây sẽ không phải là trường hợp cá biệt của bóng đá Việt Nam .

Không chỉ đội than quảng ninh mới nợ ?

Việc CLB Than Quảng Ninh (TQN) suýt bỏ giải vì không được giải quyết vấn đề liên quan đến tiền bạc, nhìn qua có vẻ đây chỉ là một trường hợp đơn lẻ. Nhưng qua trao đổi với một số đội bóng V-League, nhiều quan chức CLB đã bày tỏ sự âu lo về thực trạng chung của cả giải bóng đá lớn nhất nước cũng như thực trạng của chính đội bóng.
Một lãnh đạo CLB ở khu vực miền Trung cho hay: “Theo quy định tài chính của Quy chế bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, mỗi CLB dự V-League phải đảm bảo kinh phí hoạt động tối thiểu 35 tỉ đồng. Chúng tôi bắt buộc phải cập nhật dữ liệu này trên trang điện tử của Liên đoàn Bóng đá châu Á trước mỗi mùa. Tuy nhiên trên thực tế 35 tỉ đồng chỉ đủ nuôi một đội bóng hạng nhất, còn đội V-League thì phải nhiều hơn. Dù có tằn tiện cỡ nào thì đội của tôi mỗi năm cũng chi khoảng 50 tỉ đồng, không thể thấp hơn được. Các đội khác chắc sẽ nhiều hơn, cỡ 70 tỉ hoặc có đội 100 tỉ đồng đến 120 tỉ đồng vì mua sắm ngoại binh dạng sao số đắt lắm. Cách đây vài năm, anh Đoàn Nguyên Đức có nói mỗi CLB V-League chỉ cần 12 tỉ đồng/năm là đủ. Đủ sao được. Đến nghèo như đội chúng tôi cách đây vài năm cũng đã phải chi 40 tỉ rồi. Giờ giá chuyển nhượng tăng nên kinh phí cho đội từ hai năm nay tăng lên. Lo 50 tỉ đồng mà “vàng mắt cua”. Giật gấu vá vai, không dám vung tay quá trán vì vung là ăn đòn đủ ngay”.
Cũng theo vị quan chức này: “Tôi thấy đội TQN mấy năm vừa qua không tạo ra cú sốc nào trên thị trường chuyển nhượng, có lẽ bởi kinh phí không dư dả. Mới đây, trên Facebook, các cầu thủ TQN Mạc Hồng Quân, Nghiêm Xuân Tú than thở là họ và nhiều anh em khác bị nợ lương từ tháng 9.2020 - 4.2021, rồi cả tiền thưởng các trận thắng từ cuối năm 2019 và các khoản khác. Như vậy có thể hiểu ngân quỹ của đội không đủ để chi tiêu nên mới xảy ra tình trạng nợ kéo dài như vậy. Nhìn tình cảnh đội TQN mà ngẫm lại đội mình. Nếu chúng tôi không lo được tiền nuôi quân lâu dài thì rất dễ trở thành CLB TQN thứ hai. Không có tiền là đội lao đao đã đành, mà nguy cơ bỏ giải không phải không hiện hữu”.
Còn đại diện một đội bóng hiện đang tạm nằm trong top 6 V-League nói: “Tôi cho rằng có lẽ TQN là đội có thể nợ nhiều nhất và lâu nhất nhưng không phải trường hợp duy nhất của V-League. Việc nợ lương là có tại V-League. Chỉ có điều các đội chưa “toang” như TQN. Liên đoàn Bóng đá thế giới năm 2018 đưa ra quy định nếu CLB nào nợ lương 2 tháng thì cầu thủ có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng và báo cáo lên liên đoàn bóng đá quốc gia để liên đoàn có hình thức phạt nặng đối với CLB. Đằng này nợ đến 8 tháng mà cầu thủ vẫn chịu đựng. Đội khác chắc làm ầm lên từ lâu rồi. Mà tôi có một linh cảm không hay. CLB coi như đã trả xong lương tồn đọng. Nhưng còn phí lót tay, có thể lên đến vài chục tỉ đồng. Khó đấy. Giờ doanh nghiệp (DN) nào nhảy vào được với số tiền nợ lớn đến thế. Tỉnh có thể “ép” hoặc can thiệp kiểu gì đó nhưng rất khó. Hoặc kể cả DN khác nhận lại TQN thì họ sẽ ra điều kiện là nếu giao thì không bắt tôi gánh nợ thì tôi mới nhận. Tôi còn lo ngại là từ sự cố TQN sẽ kéo theo hiệu ứng dây chuyền, hiệu ứng domino. Có thể ở một thời điểm khác lại cũng có đội sẽ đòi bỏ giải vì lý do tài chính”.

Lối thoát nào cho V-League ?

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch CLB Hồng Lĩnh Hà Tĩnh, cho hay: “Muốn giữ được sự ổn định về tài chính thì ngay đầu mùa CLB phải thiết lập được rất cụ thể các nguồn thu. Nghĩa là xác định rõ nguồn tiền sẽ lấy từ đâu rồi từ đó mới cân đối được thu chi. CLB Hà Tĩnh khá may mắn khi luôn xây dựng được phương án tài chính rất rõ ràng, minh bạch trước khi giải khởi tranh. Và nguồn tiền ổn định suốt cả mùa”.

Việc nợ lương là có tại V-League. Chỉ có điều các đội chưa “toang” như TQN

Đại diện một đội bóng

Các đội bóng chuyên nghiệp giờ đã được địa phương giao hẳn cho một nhà đầu tư (nhà tài trợ) và nhà đầu tư này sẽ chịu trách nhiệm toàn bộ về việc nuôi đội bóng. “Sức khỏe” nhà đầu tư sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến “sức khỏe” đội bóng. Nhà đầu tư ăn nên làm ra thì đội bóng hưởng lợi, còn nếu ông bầu chỉ cần “hắt hơi sổ mũi” là đội bóng bị tác động ngay. Có những CLB do ông bầu quản lý như Hà Nội FC hay HAGL thì còn đỡ lo lắng, vì nói như một đại diện CLB: “Kể cả hai đội bóng này có lỗ đi chăng nữa thì bầu Hiển và bầu Đức vẫn còn nhiều kênh khác để CLB không rơi vào cảnh thiếu thốn. Tôi cũng xin lưu ý là kể cả HAGL hay Hà Nội FC vẫn chưa thể lấy bóng đá để nuôi bóng đá được. Họ chưa có lãi đâu. Còn các đội khác thì dĩ nhiên lỗ, có thể lỗ ít, lỗ nhiều nhưng 100% số đội không có lãi. Như chúng tôi, trận đông nhất đón khoảng 15.000 - 20.000 khán giả. Tiền bán vé thu về vẫn không đủ bù tiền tổ chức trận đấu. Nói tóm lại, vẫn phải sống nhờ “bầu sữa” của ông bầu”.
Ông Hồ Văn Chiêm, Giám đốc điều hành CLB Sông Lam Nghệ An (SLNA), nói: “Không chỉ chúng tôi mà rất nhiều đội đang gặp khó khăn về tài chính. Đội SLNA “chảy máu cầu thủ” mỗi năm cũng đành chịu vì đội nghèo. Tôi cho rằng cho dù đã giao cho Công ty cổ phần bóng đá SLNA nhưng chúng tôi khó gọi tài trợ lắm. Vẫn cần đến sự hỗ trợ của địa phương. Lãnh đạo địa phương cần có một cơ chế thích hợp nào đó để giúp đội kiếm được tiền”.
Còn ông Bùi Xuân Hòa, Chủ tịch CLB Đà Nẵng, cho biết: “VFF cần phải sâu sát hơn với thực trạng bóng đá Việt Nam hiện tại. Bóng đá Việt Nam thực hiện mô hình chuyên nghiệp hơn 20 năm nay nhưng vẫn mong manh, chưa vững chắc. Vì thế tôi cũng đề nghị VFF cần có ý kiến với cấp trên, có ý kiến với các địa phương để có sự hỗ trợ thiết thực đối với đội bóng. VFF cần có hoạch định rõ hơn về xu hướng xã hội hóa bóng đá. VFF không thể tạo ra cơ chế thì nên có đề xuất để các địa phương tạo cơ chế mở, cơ chế thuận lợi, giúp CLB kiếm được nguồn thu hợp pháp. V-League sẽ ổn định lâu dài nếu các đội ổn định lâu dài”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.