TNO

Hiểu về Cà phê (Kỳ 02): Địa lý cà phê

16/12/2012 16:18 GMT+7

Cà phê là một tặng phẩm của tự nhiên cho loài người, nhưng không phải đều khắp trên thế giới chỗ nào cũng có.

Cà phê là một tặng phẩm của tự nhiên cho loài người, nhưng không phải đều khắp trên thế giới chỗ nào cũng có.

Cà phê là đặc sản của một dải đất nằm song song hai bên đường xích đạo, từ chí tuyến Bắc còn gọi là Hạ Chí tuyến nằm ở vĩ tuyến 23 độ 27 phút phía Bắc; và Chí tuyến Nam nằm ở vĩ tuyến 23 độ 27 phút phía Nam. Dải đất này được hưởng ánh mặt trời nhiều nhất trên trái đất nên cây cỏ và loài vật cũng sung túc và đa phức nhất.

Tất cả những vùng nguyên liệu cà phê nổi tiếng của thế giới đều nằm trọn trong khu vực này: như Ethiopia, Kenya, Tanzania ở Bắc Phi, Arabia, Yemen, Indonesia, Việt Nam ở châu Á, và Costa Rica, Guatemala, El Salvador vùng các hải đảo Jamaica, Puerto Rico, Cộng hoà Dominica ở Trung Mĩ, và Brazil, Columbia, Peru ở Châu Mĩ Latin.

Những vùng này ngoài phần mang tính dương của ánh mặt trời, còn là những vùng được hưởng nhiều cơn mưa rào nhiệt đới nhất nên có những rừng nguyên sinh là lá phổi của hành tinh chúng ta và là kho sinh thái quý báu cho sự đa phức sinh học (biodiversity), là tài nguyên cho dược liệu và lâm nghiệp. Vùng này có đầy đủ cả hai yếu tố: Âm (nước mưa) và Dương (nắng lửa của mặt trời).

Ngay đất trồng cà phê tốt cũng là thứ đất đỏ, còn gọi là đất bazan (basalt) của những vùng đồi núi cao nguyên. Đất này vốn là những thứ nham thạch ở trong lòng trái đất và được nóng chảy dưới áp suất và nhiệt độ cao tới vài ngàn độ bách phân. Nham thạch đã trào dâng khỏi những miệng núi lửa từ hàng trăm ngàn năm nay, rồi bị phân huỷ, rồi tan rã trong không khí và nước mưa để trở thành thứ đất trồng màu mỡ, rất thích hợp với các loại cây công nghiệp.

Trong lịch sử tiến hoá của loài người và của văn minh, chính những vùng đất này là những cái nôi văn hoá trong vòng năm mươi ngàn năm nay và hiện cũng là nơi tập trung đông đảo nhất của con người trên trái đất: Văn minh Lưỡng hà (Mesopotamia), Trung cận đông, Ấn độ, Đông nam Á, Trung Quốc, cũng như những Văn minh Ai cập, Hi lạp, La mã – và sau nữa là Văn minh Islam, Inca và Maya của người da đỏ ở Châu Mĩ….


Cà phê trong giao dịch thương mại toàn cầu có giá trị đứng thứ nhì, chỉ thua có
dầu hoả, nên còn được gọi là vàng đen - Ảnh: Café Culture

Ethiopia, cội nguồn của cà phê từ thế kỉ IX là vùng đất nổi tiếng với những truyền thuyết về Moses (phiên âm là Maisen)- nhà tiên tri Do thái và tác giả của năm cuốn sách đầu tiên trong Kinh thánh – người đưa dân Do thái qua Biển Đỏ để thoát cảnh nô lệ ở Ai cập, về vùng đất hứa (Palestin ngày nay). Ông cũng là người khởi xướng đạo thờ một thần duy nhất là Thượng đế.

Hiện nay cà phê là ngành công nghiệp khổng lồ vì sử dụng đến hơn hai mươi lăm triệu người lao động trồng trọt, hái, chế biến... Cà phê trong giao dịch thương mại toàn cầu có giá trị đứng thứ nhì, chỉ thua có dầu hoả, nên còn được gọi là vàng đen. Cà phê cũng đang là thức uống phổ thông nhất thế giới, vượt cả trà, với số lượng tiêu thụ ước chừng hơn bốn trăm tỉ cốc/năm. Với dân số toàn cầu khoảng bảy tỉ, nếu chia đều đầu người, lượng tiêu thụ là hơn năm mươi bảy cốc càphê/năm/người.

Cây cà phê được người Pháp đưa vào trồng ở Việt Nam đầu tiên vào năm 1857, và sau đó phát triển mạnh trong những đồn điền do người Pháp làm chủ ở miền Đông Nam kì và trên Tây Nguyên.

Đất nước sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới là Brazil (trên ba triệu tấn/năm) với số nhân công trên năm triệu người và tổng số cây cà phê là khoảng chừng ba tỉ. Đứng thứ nhì về lượng xuất khẩu cà phê là Việt Nam, với hơn một triệu tấn/năm, và số cây chừng một tỉ.

Trong khi Brazil có diện tích đứng thứ năm trên thế giới và gần bằng một nửa Châu Mĩ Latin với 8,5 triệu km2 (hơn 28 lần diện tích Việt nam) và dân số trên 150 triệu người, lại phát triển đồn điền cà phê trước Việt Nam cả hơn một thế kỉ còn Việt Nam với dân số chỉ khoảng 85 triệu người và tổng diện tích chỉ hơn 326 ngàn km2, lại có lượng xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới - đó là niềm tự hào của chúng ta.

 

Bình Nguyên


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.