Thông tin trên Reuters, thương vụ này có thể nâng mức định giá của chuỗi cà phê phát triển nhanh nhất Việt Nam lên mức 800 triệu USD.
Highlands Coffee được thành lập năm 1999, khởi đầu từ một nhà đóng gói sản phẩm cà phê tại Hà Nội và từ đó được phát triển thành chuỗi hơn 500 cửa hàng tại Việt Nam và Philippines. Jollibee ban đầu đã mua một phần nhỏ cổ phần của Highlands Coffee cách đây một thập kỷ và sau đó nắm quyền kiểm soát.
Cửa hàng của Jollibee tại Philippines |
REUTERS |
Nếu thương vụ diễn ra suôn sẻ, đây cũng là cơ hội để mở đường cho việc IPO của Highlands Coffee, động thái mà Jollibee đã cân nhắc từ nhiều năm qua. Theo Bloomberg, từ cuối năm 2016, Jollibee đã ấp ủ kế hoạch chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng chuỗi cửa hàng cà phê này trên sàn chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, đến tháng 7.2019, thương vụ này đã bị hoãn lại với lý do không được tiết lộ. Cùng thời điểm đó, tập đoàn này lại công bố kế hoạch chi 350 triệu USD để mua lại chuỗi cà phê The Coffee Bean & Tea Leaf của Mỹ.
Reuters cho rằng, Việt Nam với dân số 99 triệu người, là nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Á với tổng sản phẩm quốc nội tăng 8% trong năm nay và 6,5% trong năm tới. Sự bùng nổ về sở thích uống cà phê của người dân trong khu vực đã tạo ra những thương hiệu lớn ở Đông Nam Á. Năm ngoái, chuỗi cà phê Kopi Kenangan của Indonesia được định giá hơn 1 tỉ USD trong một cuộc gọi vốn.
Jollibee đã nhanh chóng mở rộng việc kinh doanh ra nước ngoài và đặc biệt tập trung vào thị trường khu vực Đông Nam Á, nơi có khoảng 680 triệu dân. Việc tận dụng xu hướng chi tiêu ngày càng tăng của người tiêu dùng trong khu vực để mở rộng là chiến lược được nhiều chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh, nước giải khát áp dụng và thành công.
Hiện Jollibee đang sở hữu mạng lưới dịch vụ thực phẩm lớn nhất Philippines và hàng đầu khu vực với hơn 1.500 cửa hàng ở 17 quốc gia, bao gồm thương hiệu Coffee Bean & Tea Leaf của Mỹ và chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh của riêng họ với biểu tượng chú ong cười phổ biến.
Bình luận (0)