Hillary Clinton và Donald Trump, hai thái cực đối lập về chính sách
07/11/2016 17:16 GMT+7
Người Mỹ ngày 8.11 sẽ bỏ phiếu lựa chọn Hillary Clinton hoặc Donald Trump, cả hai đại diện cho hai thái cực đối lập từ chính sách đối nội đến đối ngoại.
Tự động phát
Các hiệp định thương mại
Ông Trump kịch liệt phản đối Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Tổng thống Barack Obama khởi xướng và tuyên bố sẽ hủy bỏ TPP nếu đắc cử. Ông cũng có kế họach tái đàm phán những thỏa thuận tự do thương mại đã được ký kết, chẳng hạn Hiệp định Tự do Thương mại Bắc Mỹ (NAFTA) và dọa sẽ rút khỏi NAFTA nếu các yêu cầu của Mỹ không được đáp ứng trong khi tái đàm phán. Ông cáo buộc các đối thương mại của Mỹ như Mexico và Trung Quốc thao túng tiền tệ, trộm công nghệ, đe dọa sẽ áp thuế cao và các biện pháp trừng phạt khác, theo BBC (Anh).
Lúc còn giữ chức ngoại trường Mỹ (2009-2013) trong chính quyền Obama, bà Clinton từng gọi TPP là “tiêu chuẩn vàng” đối với các thỏa thuận thương mại quốc tế. Chồng bà, cựu tổng thống Bill Clinton, đẩy mạnh lộ trình ký kết NAFTA trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông. Nhưng trong chiến dịch tranh cử, bà lại tuyên bố sẽ hủy bỏ những hiệp định thương mại "cướp đi việc làm của người dân", bao gồm cả TPP.
Tạo công ăn việc làm
Ông Trump tuyên bố sẽ tạo ra 25 triệu việc làm trong vòng 10 năm tới, nhất là trong lĩnh vực sản xuất, mà theo ông lâu nay bị chuyển ra nước ngoài. Ông khẳng định việc giảm thuế doanh nghiệp từ 35% xuống 15%, cùng với việc đầu tư cơ sở hạ tầng, cắt giảm thâm hụt thương mại và xóa bỏ một số rào cản pháp lý khác sẽ giúp tạo ra thêm nhiều công việc cho người dân Mỹ.
Bà Clinton thì muốn tạo ra việc làm bằng cách đầu tư vào dây chuyền sản xuất tối tân, công nghệ mới, năng lượng thay thế, đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển. Theo ứng cử viên này, các chuyên gia độc lập ước tính kế hoạch của bà sẽ tạo ra 10 triệu việc làm mới.
|
Chính sách ngoại giao
Trước đây, khi giữ chức ngoại trưởng hay thượng nghị sĩ, bà Clinton được mệnh danh là “diều hâu” vì những quan điểm về chính sách ngoại giao của bà. Bà từng ủng hộ cuộc chiến của Mỹ ở Iraq, đến bây giờ bà vẫn bày tỏ sự hối tiếc về lập trường đó trong các cuộc vận động tranh cử. Bà cũng là một trong những người đi đầu, ủng hộ chính quyền Obama tiến hành chiến dịch không kích của Mỹ ở Libya. Bà kêu gọi Mỹ mở rộng chiến dịch không kích chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Syria, nhưng phản đối việc điều bộ binh đến Syria. Bà ủng hộ việc Mỹ tiếp tục tăng cường hiện diện quân sự ở Afghanistan, khuyến khích Mỹ tiếp tục giữ vai trò đầu tàu trong NATO, tăng cường viện trợ cho các đồng minh châu Âu để đối phó với Nga.
Ông Trump thì lên án chiến tranh Iraq và những hành động quân sự khác của Mỹ ở Trung Đông. Ông kêu gọi thắt chặt mối quan hệ với Tổng thống Nga Vladimir Putin, nhấn mạnh đồng minh ở châu Âu và châu Á nên tự chi tiêu ngân sách quốc phòng để tăng cường phòng thủ chứ không nên phụ thuộc vào viện trợ của Mỹ. Ngoài ra, ông tuyên bố chính sách ngoại giao của Mỹ phải luôn ưu tiên lợi ích của Mỹ trước hết. Mặt khác, ở Trung Đông ông lại đề xuất đưa hàng nghìn lính bộ binh đến Syria tham chiến, đồng thời kêu gọi NATO có nhiều hành động hơn để chống khủng bố.
Thuế
Bà Clinton muốn tăng thuế 4% đối với người giàu có thu nhập trên 5 triệu USD/năm, nhằm tăng nguồn thu ngân sách. Bà cũng kêu gọi giảm thuế nhiều hơn trong lĩnh vực y tế và giáo dục để hỗ trợ những gia đình trung lưu, chủ trương tăng thuế tài sản thừa kế.
Trong khi đó, ông Trump đề xuất cắt giảm thuế doanh nghiệp từ 35% xuống 15%, xóa bỏ thuế tài sản thừa kế.
Chính sách nhập cư
Bà Clinton tuyên bố muốn tiếp tục duy trì và mở rộng chính sách nhập cư của chính quyền Obama, theo đó cấp thẻ thường trú nhân (hay thẻ xanh) cho những người nhập cư không giấy tờ hợp pháp sống lâu năm ở Mỹ, và thậm chí cấp quốc tịch Mỹ cho họ.
Ông Trump khẳng định sẽ xây dựng bức tường dọc biên giới Mỹ với Mexico dài trên 3.000 km để ngăn chặn những người nhập cư trái phép, bất chấp bị giới phê bình chỉ trích là phi thực tế. Ông còn kêu gọi cắt giảm việc cấp thẻ xanh cho dân nhập cư hợp pháp, chấm dứt chính sách hợp pháp hóa dân nhập cư trái phép của chính quyền Obama. Tuy vậy, ông đã rút lại tuyên bố trước đó rằng sẽ trục xuất trên 11 triệu dân nhập cư không giấy tờ hợp pháp đang sống ở Mỹ và cấm tất cả những người Hồi giáo vào Mỹ.
Luật về súng
Không giống như những cuộc bầu cử trước đây, trong kỳ bầu cử năm nay việc sở hữu súng trở thành vấn đề then chốt. Bà Clinton nhiều lần phản ứng trước những vụ xả súng giết người hàng loạt ở Mỹ, nhấn mạnh việc ủng hộ việc siết chặt kiểm tra lý lịch và lệnh cấm vũ khí. Tuy nhiên bà lại từ chối bình luận về việc liệu có xúc tiến thay đổi Tu chính án số 2 trong Hiến pháp Mỹ (cho phép người dân sở hữu súng) nếu đắc cử.
Ông Trump đã nhiều lần lên án những vụ xả súng ở Mỹ là do luật về sử dụng súng lỏng lẻo. Ông cáo buộc đối thủ Clinton muốn loại bỏ quyền sử dụng súng của người dân Mỹ và khẳng định Tu chính án số 2 trong Hiến pháp Mỹ sẽ được duy trì nếu ông đắc cử.
|
Biến đổi khí hậu
Bà Clinton vẫn tiếp tục ủng hộ nỗ lực của đảng Dân chủ trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Bà nói biến đổi khí hậu là mối đe dọa đối với nền an ninh Mỹ. Bà ủng hộ các quy định nghiêm ngặt về phát thải khí, phản đối việc mở rộng khai thác dầu mỏ ở Alaska và xây dựng đường ống dẫn dầu Keystone giữa Mỹ và Canada.
Trong khi đó, ông Trump không đưa ra bất kỳ quan điểm nào về biến đổi khí hậu và các vấn đề môi trường. Nhưng trong các bài phát biểu và cuộc tranh luận với Clinton, Trump cho biết ông phản đối những quy định bảo vệ môi trường làm ảnh hưởng đến nền kinh tế. Trump ủng hộ duy trì nguồn nước và không khí sạch, nhưng lại muốn hủy các thỏa thuận đóng góp hàng tỉ USD cho các chương trình chống biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc. Ông còn cho rằng việc nói biến đổi khí hậu do con người gây ra chỉ là “chuyện bịa đặt” (?).
Phá thai
Bà Clinton đi theo quan điểm của đảng Dân chủ về phá thai, phản đối lệnh cấm phá thai khi mang thai được 20 tuần. Bà cũng phản đối việc chính quyền các bang siết chặt quy định về phá thai đối với những bệnh viện đủ điều kiện tiến hành các ca phá thai. Trong khi đó ứng cử viên này ủng hộ đề xuất cho phép chính quyền liên bang cấp quỹ cho những tổ chức phi chính phủ, để họ hỗ trợ những nạn nhân bị hiếp dâm được phá thai.
Còn ông Trump thì tuyên bố phá thai phải được xem là hành động bất hợp pháp, thậm chí ông còn ủng hộ “một số kiểu trừng phạt” phụ nữ phá thai. Trump nói ông không ủng hộ lệnh cấm phá thai tại các bang ở Mỹ, ngoại trừ trường hợp phụ nữ bị hiếp dâm và tính mạng người mẹ bị đe dọa nếu không phá thai. Hồi năm 2000, ông Trump từng lên tiếng ủng hộ quyền được phá thai, nhưng sau đó khẳng định ông đã thay đổi quan điểm về vấn đề này.
Chăm sóc trẻ em
Bà Clinton cam kết không gia đình nào phải chi trên 10% thu nhập cho việc chăm sóc trẻ em. Bà muốn tăng cường hỗ trợ các bậc phụ huynh có thu nhập thấp bằng cách mở rộng những chương trình chăm sóc trẻ em do chính phủ tài trợ.
Trong khi đó, ông Trump đề xuất giảm chi phí chăm sóc trẻ em bằng cách giảm thuế thu nhập cá nhân cho các bậc cha mẹ để họ có thêm tiền chăm lo cho con cái. Ông cũng muốn đảm bảo phụ nữ trong 6 tuần nghỉ thai sản được nhận tiền hỗ trợ tương đương với tiền trợ cấp thất nghiệp.
|
Bình luận (0)