Thanh Niên giới thiệu bài phân tích độc quyền của học giả Ấn Độ Brahma Chellaney về mối đe dọa tiềm tàng đối với môi trường toàn cầu từ những dự án của Trung Quốc trên dãy Himalaya.
Tương lai của châu Á gắn kết chặt chẽ với Himalaya, dãy núi cao nhất thế giới và là nơi bắt nguồn của các hệ thống sông lớn ở châu lục, vốn đang đối diện nguy cơ khô hạn trên diện rộng. Tuy nhiên, khu vực này hiện lâm vào tình trạng tan băng nhanh chóng, khí hậu không ổn định và suy giảm đa dạng sinh học. Những con sông bắt nguồn từ Himalaya gồm Dương Tử, sông Ấn, sông Hằng, Mê Kông và Salween nằm trong số 10 con sông đang gặp nguy hiểm nhất của thế giới. Từ xây dựng các con đập lớn đến khai thác tài nguyên một cách thiếu kiểm soát, hoạt động của con người rõ ràng là nguyên nhân của những thay đổi có thể mang lại thảm họa tiềm tàng.
Trong đó, phần lớn là các dự án của Trung Quốc. Đặc biệt phải nhấn mạnh tham vọng chưa từng có là xây dựng hệ thống kênh đào với tổng chiều dài 16.000 km cùng cơ sở hạ tầng để chuyển hơn 10 tỉ m3 nước từ nhiều con sông lên những vùng đất khô cằn ở tây và tây bắc Trung Quốc, trong đó có Tân Cương. Việc thay đổi dòng chảy tự nhiên thông qua đập và kênh đào đã phá hủy hệ sinh thái ven sông và khiến 350 hồ lớn tự nhiên biến mất. Khoảng 1/5 số con sông của nước này hiện nay gặp tình trạng nước chảy qua mỗi năm ít hơn so với lượng nước được chuyển đến các hồ chứa nhân tạo. Nguy hiểm hơn, những dự án đảo dòng chảy ngày càng tập trung vào các con sông quốc tế hơn là sông nội địa và mối đe dọa về môi trường đang vượt xa biên giới Trung Quốc. Mặt khác, mọi tác động vào thượng nguồn những con sông chảy qua nước khác đều có thể dễ dàng bị biến thành một loại vũ khí hay quân bài để gây sức ép.
Bên cạnh đó, cao nguyên Tây Tạng (Trung Quốc gọi là cao nguyên Thanh Tạng) cũng là nơi nước này đang thử nghiệm can thiệp vào khí hậu, như gây mưa nhân tạo cho khu vực khô cằn ở phía bắc, gây nguy cơ hơi ẩm từ các khu vực khác bị hút đến đây và trật tự mùa mưa của châu Á sẽ bị biến động lớn. Đó là chưa kể khả năng quân sự hóa thời tiết để phục vụ các ý đồ chiến lược. Ngoài ra, nguồn khoáng sản tại khu vực cũng đang bị “xẻ thịt” bất chấp hậu quả. Hiện nay, phế phẩm từ các mỏ đồng đang gây ô nhiễm ở vùng Pemako thuộc Himalaya. Đây là nơi sông Yarlung Tsangpo uốn quanh trước khi vào Ấn Độ (đoạn sông bên trong Ấn Độ được gọi là Brahmaputra - ND). Năm ngoái, nước trong đoạn chính của con sông bất ngờ trở nên xám đen khi chảy vào Ấn Độ, rất có khả năng là do các hoạt động xây đường hầm, khai thác mỏ và xây đập. Chưa hết, từ tháng 5, Trung Quốc bắt đầu đẩy mạnh khai thác vàng và bạc ở huyện Long Tử thuộc Khu tự trị Tây Tạng nằm ở khu vực biên giới đang tranh chấp với Ấn Độ.
Những dự án khai thác vô tội vạ và ẩn giấu ý đồ chính trị đang tạo ra sức ép lên hệ sinh thái mong manh của dãy Himalaya, kéo theo mối đe dọa an ninh vượt khỏi biên giới châu Á. Sự tổn hại sinh thái ở Himalaya thậm chí có thể ảnh hưởng tới khí hậu châu Âu lẫn Bắc Mỹ. Vì vậy, điều cấp thiết hiện nay là tất cả thành viên của cộng đồng Himalaya, từ vùng sông Mê Kông và Trung Quốc cho đến các quốc gia Nam Á phải chung tay ngăn chặn đà tổn hại môi trường ở Himalaya. Trong đó, ý kiến của quốc tế về những dự án liều lĩnh ở Trung Quốc đóng vai trò hết sức quan trọng.
Bình luận (0)