HIMARS có còn là vũ khí 'tối thượng' của Ukraine trong xung đột với Nga?

HIMARS có còn là vũ khí 'tối thượng' của Ukraine trong xung đột với Nga?

Phúc Nguyên
Phúc Nguyên: biên tập, dựng clip | Cẩm Tú: đọc voice
02/02/2023 09:15 GMT+7

Khi phải nói về một loại vũ khí tiêu biểu của phương Tây đã hỗ trợ quân đội Ukraine trong cuộc xung đột với Nga, nhiều người không ngần ngại nhắc đến HIMARS. Thành công của các cuộc phản công gần đây của quân đội Ukraine một phần là nhờ vào các tổ hợp pháo phản lực phóng loạt HIMARS mà Mỹ cung cấp. Tuy nhiên, HIMARS có thực sự hiệu quả như vậy không?

Theo hai chuyên gia quốc phòng Mỹ, ban đầu hệ thống HIMARS đã gây kinh hoàng, nhưng quân đội Nga đã dần học được cách đối phó với hệ thống này.

Mỹ đã gửi cho Ukraine ít nhất 20 tổ hợp HIMARS. Lần đầu xuất trận vào đầu hè 2022, đây được ca ngợi là một loại vũ khí kỳ diệu. Các hỏa tiễn dẫn đường bằng GPS được bắn từ một bệ phóng di động gắn trên xe tải đã phá huỷ nhiều sở chỉ huy và kho đạn của quân đội Nga.

HIMARS đã mở đường cho chiến dịch phản công cực kỳ thành công của Ukraine để giành lại khu vực Kharkiv vào tháng 9 năm ngoái, đẩy Nga vào thế yếu trên chiến trường.

Tuy nhiên, khi quân đội Ukraine bắt đầu sử dụng HIMARS trong cuộc phản công chiếm lại thành phố Kherson hồi cuối tháng 8.2022, kết quả đã khác.

Theo một bài viết của ông Micheal Kofman, giám đốc Chương trình nghiên cứu về nước Nga tại CNA, và ông Rob Lee, thành viên cao cấp của Chương trình Á-Âu thuộc Viện Nghiên cứu Chính sách đối ngoại, "Kherson cho thấy hiệu quả chung của HIMARS có lẽ đã bị cường điệu. Tác động của nó đã không còn nổi bật sau 2 tháng sử dụng trên chiến trường".

Quân đội Nga đã có thể đứng vững trước hỏa lực HIMARS trước khi rút lui chiến thuật ra khỏi Kherson với hầu hết thiết bị quân sự.

Một xe phóng thuộc tổ hợp pháo phản lực phóng loạt HIMARS do Mỹ cung cấp tại Ukraine

Một xe phóng thuộc tổ hợp pháo phản lực phóng loạt HIMARS do Mỹ cung cấp tại Ukraine

Hai chuyên gia cho rằng các điều chỉnh của Nga để đối phó HIMARS "bao gồm việc di chuyển các trung tâm hậu cần ra khỏi tầm bắn của HIMARS, củng cố lại các sở chỉ huy và tạo ra các bẫy nhử khiến Ukraine khó nhắm mục tiêu hơn".

Về mặt chiến thuật, các đơn vị Nga tại Kherson lúc bấy giờ kẹt trong tình thế khó khăn. Họ bị vây ép ở bờ tây sông Dnipro trong khi lực lượng chính đóng ở bờ đông, và việc tiếp tế phải thực hiện bằng phà và một đập nước bắc qua sông.

Tuy nhiên, dù Ukraine dùng đủ mọi cách, từ các tổ hợp HIMARS, xe tăng, UAV cho đến quân đặc nhiệm, thì vẫn vấp phải kháng cự quyết liệt từ Nga.

Hai chuyên gia cho rằng: "Trận Kherson đã đưa ra lời cảnh báo về sự thách thức  khi tiến hành tấn công chống lại một đối thủ đang cố thủ với đầy đủ hệ thống pháo binh và phòng không".

Như vậy, Nga ban đầu có những điểm yếu gì trước HIMARS?

Quân đội Nga vốn dựa vào một mạng lưới hậu cần tập trung cao độ, phụ thuộc vào một số tuyến đường sắt thay vì vận chuyển bằng xe tải linh hoạt để tiếp tế cho tiền tuyến.

Tại sao HIMARS ngày càng quan trọng đối với Ukraine?

Đồng thời, học thuyết quân sự của Nga đòi hỏi có các trận địa pháo lớn. Điều này đã dẫn đến việc các kho chứa đạn khổng lồ được bố trí phía gần tiền tuyến. Tuy nhiên, đó sẽ là miếng mồi ngon cho HIMARS.

Trong thời gian đầu, Nga đã không đề phòng và còn thích ứng chậm với các loại vũ khí tầm xa mà phương Tây cung cấp cho Ukraine.

Tuy nhiên, cuối cùng thì họ cũng đã có những điều chỉnh phù hợp để thích ứng.

Ông Kofman kết luận: "Chẳng có thứ vũ khí nào là tối thượng", kể cả HIMARS.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.