Hình ảnh các 'đại ca mạng xã hội' khiến thanh thiếu niên ngày càng bạo lực?

10/03/2021 10:12 GMT+7

Chơi game xong giết người cướp của, bị đánh xong lên mạng xã hội 'kêu gọi 500 anh em đi trả thù' rồi giết nhầm đối tượng… Điều đáng báo động là không ít vụ bạo lực đó rơi vào lứa tuổi vị thành niên.

Chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ

Trong những năm gần đây, xuất hiện rất nhiều các vụ việc giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực, thậm chí giết người tàn bạo, mà trong đó người gây tội ở tuổi thanh thiếu niên ngày không hiếm khiến dư luận bàng hoàng. Chẳng hạn tháng 4.2020, một thiếu niên tên Đ.A.H 14 tuổi (ngụ ấp 2, xã Tà Lài, Tân Phú, Đồng Nai) do mâu thuẫn và nghi ngờ em T.T.T 11 tuổi ở cùng ấp nói xấu mình, đã đấm đá, kẹp cổ và lấy đá đập vào đầu cho đến khi em T. chết. Không hề sợ hãi, H. còn mang thi thể em T. ra gốc cây dừa cách đó 20 lấy đi điện thoại di động của nạn nhân rồi về nhà như không có chuyện gì xảy ra.

Bàng hoàng nhóm “choai choai” mang phóng lợn chém nhầm, chết oan người đi đường

Vào tháng 11.2020 một vụ giết người cướp của dã man xảy ra ở tỉnh Thanh Hóa, mà các đối tượng gây án đều chỉ 15, 16 và 18 tuổi. Theo đó, sau khi chơi game xong, các thanh thiếu niên đã nhà lấy dao rồi đột nhập vào nhà bà L.T.H (65 tuổi, ngụ thôn Yên Thôn, xã Định Tiến, H.Yên Định, Thanh Hóa), dùng dao đâm chém bà H. đến chết rồi lấy đi tiền, vàng, điện thoại di động.
Mới đây nhất, 14 thanh thiếu niên từ 15 - 28 tuổi ở Hà Nội đã bị khởi tố về tội giết người. Lý do vì một thanh niên trong nhóm bị một nhóm khác đánh, nên người này đã lên Facebook hô hào anh em đi trả thù. Trong vòng 15 phút, 17 thanh thiếu niên cầm theo hung khí gồm kiếm, dao bầu, tuýp sắt đi tìm đối thủ nhưng cuối cùng lại chém nhầm người đi đường khiến người này tử vong. Người ra tay chém nạn nhân chính là một thiếu niên mới 16 tuổi.
Theo một thống kê năm 2019 của Bộ Công an, tỷ lệ gây án tuổi vị thành niên trên cả nước là 5,2% người ở độ tuổi dưới 14 tuổi, 24,5% người từ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi và 70,3% người từ 16 đến dưới 18 tuổi. Điều này cho thấy thanh thiếu niên phạm tội trong lứa tuổi 16-18 rất nhiều.
Qua các vụ án, thì động cơ giết người nhiều khi rất đơn giản, chì vì mâu thuẫn nhỏ hoặc vì thiếu khoản tiền nhỏ cũng khiến những tội phạm ra tay rất tàn ác.

Giang hồ mạng Dũng Trọc bị khởi tố, bắt tạm giam

Cần loại bỏ các nội dung bạo lực trên mạng xã hội

Chia sẻ về nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ vị thành niên phạm tội ngày càng nhiều, thạc sĩ Lê Minh Tiến, giảng viên Khoa Xã hội học Trường ĐH Mở TP.HCM, lý giải: “Thật kinh khủng khi thời đại ngày nay mở mạng xã hội lên là thấy giang hồ mạng. Những cảnh bạo lực xuất hiện tràn lan trên các clip ở YouTube, Facebook mà ở đó giang hồ xuất hiện như những vị anh hùng, như một người thành đạt, có chí khí, rất oai vệ. Rồi những bộ phim nhiều tập nói về các “đại ca”, “chị hai” cùng các băng nhóm… Đứa trẻ bị bao vây bởi thế giới giang hồ trên mạng, trong game. Xem nhiều, xem đi xem lại chúng sẽ bị nhiễm lúc nào không hay và cho đó chính là những gì hiển nhiên đúng”.
Theo thạc sĩ Minh Tiến, gia đình và nhà trường sẽ “không đủ sức chống chọi” với những gì đang tác động tới trẻ thông qua mạng xã hội. Vì ở trường thầy cô lo dạy kiến thức, ở nhà thì ba mẹ phải mưu sinh, không ai có thể theo sát đứa trẻ 24/24 giờ. “Nhà nước cần tạo ra một xã hội an ninh, an toàn, đồng thời cần xử lý mạnh những người đưa lên mạng những hình ảnh bạo lực, giang hồ, dọn dẹp các trang không lành mạnh, kiểm soát thông tin, hình ảnh chặt chẽ hơn, loại bỏ những khuôn mẫu lệch lạc trong giới trẻ”, thạc sĩ Minh Tiến nhìn nhận.
Ở góc độ tâm lý, tiến sĩ tâm lý Lê Minh Công, giảng viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho rằng độ tuổi từ 14-18 đang phát triển và bị tác động rất mạnh bởi xã hội bên ngoài. Tiến sĩ Công đánh giá: “Các em học tập, bắt chước thông qua các tương tác xã hội, mà chưa đủ nhận thức và trải nghiệm để biết được điều đó là đúng hay sai. Bên cạnh đó, ở lứa tuổi này, các em chưa ổn định về nhân cách và cảm xúc, dễ bùng nổ và nổi loạn, lại coi trọng mối quan hệ tình bạn nên sẵn sàng xả thân vì bạn, hành động theo những chỉ dẫn tiêu cực mà không cần biết hậu quả”.
Tiến sĩ Công cũng cho rằng với những biến chuyển của xã hội, các phương tiện truyền thông đa phương tiện lên ngôi, đã tác động mạnh mẽ tới nhận thức và hành động không chỉ của tuổi thanh thiếu niên, mà ngay cả người trưởng thành. “Nhà nước cần kiểm duyệt những nội dung bạo lực trên mạng xã hội, đặc biệt là những hình ảnh, clip, phim ảnh bạo lực. Nếu để chúng phát triển tự do thì rất nguy hiểm tới nhân cách, đạo đức của thế hệ trẻ, làm các em nhận thức lệch lạc về giá trị sống. Cha mẹ và nhà trường không phải là những người chịu trách nhiệm hoàn toàn, nhưng có trách nhiệm rất quan trọng trong việc trang bị cho con em kiến thức, kỹ năng sống khi tiếp cận với mạng xã hội. Đồng thời cần tạo nhiều sân chơi, nhiều hoạt động cộng đồng hơn để trẻ tham gia. Cố gắng đừng để trẻ học xong là chỉ còn biết lên mạng xã hội để giải trí”, tiến sĩ Công chia sẻ.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.