Hình bóng nhân gian trong Anime

09/08/2014 10:29 GMT+7

(TNTS) 'Anime có lẽ là thể loại phim hoạt hình phức tạp và thú vị nhất. Điều duy nhất ngang với việc xem anime là nghĩ về nó' - đó là nhận xét của Andrew Huebner, Giám đốc dàn dựng bộ phim Avatar: The Last Airbender.

Hình bóng nhân gian trong Anime  1 

Sinh ra sau vụ nổ bom hạt nhân ở Hiroshima năm 1945, anime là sản phẩm của sự khủng hoảng niềm tin, không phải chỉ của một cá nhân mà của cả một dân tộc. Một nước Nhật điêu tàn vì chiến tranh, cộng thêm vừa đầu hàng nhục nhã trước quân Đồng minh, kỳ diệu thay, đã thai nghén anime, một thể loại giải trí chưa từng có ở đâu trên thế giới. Mang hình thức nhân tạo, đẹp đẽ, hoàn mỹ, ngây thơ, đối lập với sự thực xấu xí, tàn khốc hậu chiến, anime là một sự băng bó tinh thần cho nước Nhật. Mang trong mình vai trò hàn gắn cả một thế hệ, anime là một lăng kính muôn màu: không còn bị giới hạn bởi sự thực, những nghệ sĩ anime thỏa sức tung đôi cánh của trí tưởng tượng để chạm tới những chân trời kỳ ảo nhất và cả những góc tối u uẩn nhất trong cõi người.

Trong thế giới siêu thực của anime, manga và animanga, không có điều gì là không thể, và mỗi cánh cửa mở ra trong thế giới ấy lại cần một cách tiếp cận triết học khác nhau. Anime đã góp phần làm thay đổi bộ mặt văn hóa đại chúng thế kỷ 20, gây ảnh hưởng tới các nghệ sĩ đương đại như Jeff Koons hoặc các đạo diễn như Quentin Tarantino.

Hình bóng nhân gian trong Anime  2 

Là một thể loại chủ yếu nhắm tới trẻ em (lúc ban đầu) song anime không dừng lại ở đó, ngược lại đã đạt tới một vị trí quan trọng, gần như thiêng liêng đối với tinh thần của vô số người lớn. Mê mẩn, thậm chí ám ảnh vì anime là một điều hoàn toàn bình thường ở Nhật. Đơn giản vì anime không chỉ khiến người xem cười hoặc khóc, mà còn đặt ra những câu hỏi lớn về cái tôi. Dù đặt trong bối cảnh thần tiên, ma quái, viễn tưởng, hoặc hiện thực, ta đều có thể bắt gặp trong anime những vấn đề rất “con người” về đạo đức, tình yêu, bạo lực, sự công bằng, lòng trung thực, tâm hồn... Khi đặt cạnh hoạt hình phương Tây, đơn cử như Ngôi mộ đom đóm (Grave of The Fireflies),  bộ phim hoạt hình được nhà phê bình Roger Ebert coi là một trong những bộ phim chiến tranh có sức cảm ứng mạnh mẽ và gây xúc động nhất, sự trưởng thành của anime càng trở nên nổi bật hơn.

Trong số nhiều quan điểm phản đối anime, có một ý kiến thường được lặp đi lặp lại: anime tước bỏ bản ngã của người phụ nữ, biến họ thành những con búp bê mắt to, ngực to, một loại đồ vật biết nói dùng để thỏa mãn khao khát của giới đàn ông. Không gì có thể xa hơn sự thực. Bộ phim Perfect Blue là một câu chuyện ly kỳ về một nữ ca sĩ nhạc pop trẻ tuổi bị rơi vào vòng xoáy của ngành giải trí và bị dần đánh mất mình.

Một người hâm mộ giấu mặt bắt đầu dựng lên một website đăng tải các hoạt động thường ngày của Mima, và bắt đầu có các vụ giết người diễn ra. Trong khi đó, Mima bắt đầu rơi vào trạng thái hoang tưởng, không phân biệt được hiện tại và ảo giác. Kết thúc bộ phim, Mima không những khuất phục được kẻ thủ ác (chính là người quản lý của cô) mà còn thoát khỏi những bóng ma ám ảnh mình, mở ra một quãng đời mới tươi sáng với tư cách một người phụ nữ độc lập và tự tin. Bộ phim Spirited Away gần gũi hơn với độc giả VN là cuộc hành trình thần kỳ của một bé gái nhỏ chỉ được vũ trang bởi lòng yêu thương và sự can đảm nhưng đã giải thoát được cha mẹ mình và làm thay đổi cuộc sống của nhiều người khác - ẩn dụ về sức mạnh của trái tim hồn nhiên vô tà. Còn rất nhiều ví dụ anime khác trong đó người phụ nữ là những nhân vật đa chiều, phong phú, tích cực.

Hình bóng nhân gian trong Anime 3 

Lại có một phần khác của anime khiến những nhà đạo đức e ngại: tình dục hóa thái quá trẻ vị thành niên, thể loại hentai, những xu hướng tình dục biến thái. Điều đó là không thể phủ nhận; chỉ cần ba phút trên mạng internet cũng đủ tải về những kết quả anime khiến Marquis de Sade phải chào thua. Tâm lý con người là một mạng lưới vô cùng phức tạp mà đến giờ loài người mới chỉ bắt đầu khám phá những rìa bên ngoài. Việc đổ lỗi cho một hiện tượng văn hóa bất kỳ đều là một sự phủi tay, chối bỏ trách nhiệm cần giải quyết những vấn đề cốt lõi hơn: nỗi cô đơn trong thời đại công nghệ số, sự bỏ bê của nhà trường và gia đình, những nỗi sợ thầm kín của tuổi dậy thì, sự đứt gãy quan hệ giữa người với người.

Trong xã hội Nhật ảnh hưởng nặng bởi tư tưởng Khổng giáo, khi những nạn nhân bị cưỡng hiếp vẫn thường xuyên bị miệt thị và coi là tội lỗi, nhiều tác phẩm anime/manga đã bất chấp định kiến xã hội, mô tả một cách thực tế những chấn thương tâm lý phức tạp và các vấn đề liên quan đến đề tài nhạy cảm này. Bitter Virgin kể câu chuyện về mối quan hệ của một nam sinh trung học với một nữ sinh đã từng bị cưỡng hiếp bởi cha dượng và có con hai lần. Những tác phẩm yaoi mô tả tình yêu đồng giới một cách cởi mở, tự nhiên, bao dung cũng góp phần giúp xã hội coi tình yêu đó như một hiện tượng tự nhiên và không định nghĩa phẩm chất con người. Trong anime có những thiên thần gay, những hồng y là phụ nữ, và những giáo hoàng bishounen trẻ tuổi đẹp trai.

Một tác phẩm nổi tiếng khác, bộ hai phim Ghost In The ShellGhost In The Shell II: Innocence là cuộc hành trình tìm về bản chất của nhân tính, đồng thời là cảm hứng của bộ phim Ma trận (Matrix).

Trong một thế giới viễn tưởng kết nối bằng một mạng lưới khổng lồ, hầu hết loài người, bao gồm nhân vật chính, thiếu tá Motoko Kusanagi, đều kết nối với mạng lưới này nhờ một lớp vỏ người máy (the shell). Thiếu tá Motoko trăn trở với câu hỏi: ta có phải người không khi bộ não và một phần đốt tủy sống là tất cả những gì “người” mà ta có? Cuộc tiếp xúc với Puppet Master khiến câu hỏi của Motoko trở nên bức bách hơn cho đến khi Motoko thoát khỏi gánh nặng về “tính người” trong lý thuyết, thay vào đó tập trung vào những khả năng vô tận Motoko có thể đạt được một khi dừng việc giới hạn bản thân.

Nghệ thuật ở bất kỳ dạng nào cũng phải đấu tranh để đạt được sự cân bằng giữa vấn đề “vị nghệ thuật, vị nhân sinh”, đồng thời vẫn hấp dẫn được khán giả để thu được lợi nhuận.

Có thể nói trong vấn đề này, anime đã rất thành công. Anime không phải là “hoạt họa” theo nghĩa giản đơn và ấu trĩ, mà là tổng hợp của thần thoại, triết học, sự sống còn, ma quỷ, con người. Những câu chuyện đó chỉ có thể được kể bằng những hình ảnh tạo nên từ khả năng vô tận của trí tưởng tượng. Nhờ đó, không những anime ảnh hưởng không nhỏ đến thể loại phim ảnh người đóng, mà sự táo bạo của anime còn có tác dụng nâng phim ảnh lên một tầng mới: phức tạp hơn, thông minh hơn, mạnh dạn hơn. Dùng hình động để miêu tả chiều sâu của tính người, anime là niềm an ủi, hy vọng, hoặc đơn giản là cuộc chạy trốn vào chính mình của nhân loại.

Anh Nguyễn

>> Phim Nhật: Pandora
>> Những ngày phim Nhật Bản tại TP.HCM
>> Phim Nhật trở lại màn ảnh nhỏ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.