HLV Đặng Anh Tuấn: 'Ánh Viên phải là người vừa có đức vừa có tài'

06/01/2016 18:52 GMT+7

Hàng năm, Bộ Giáo dục & Đào tạo (GĐ&ĐT) vẫn gửi giáo trình sang Mỹ để thầy trò Ánh Viên tự… giảng dạy và học tập. Cô gái sinh năm 1996 đang học lớp 12 và vừa trở về Việt Nam để thi học kỳ I.

Hàng năm, Bộ Giáo dục & Đào tạo (GĐ&ĐT) vẫn gửi giáo trình sang Mỹ để thầy trò Ánh Viên tự… giảng dạy và học tập. Cô gái sinh năm 1996 đang học lớp 12 và vừa trở về Việt Nam để thi học kỳ I.

Hai thầy trò Ánh Viên ôn tập bài trước khi thi tại TP.HCM - Ảnh: Trung Ninh
Một lãnh đạo Tổng cục TDTT nói với chúng tôi rằng, mặc dù Ánh Viên là một VĐV bơi lội tài năng, mang về cho Tổ quốc rất nhiều tấm huy chương quốc tế danh giá nhưng trên cương vị là một học sinh, Viên không được hưởng một đặc cách nào cả.
Ngoài chuyên môn chính là bơi, Ánh Viên vẫn phải hoàn tất “giáo án” của trường học và phải trải qua hai kỳ thi của mỗi năm học. Có một điểm cực kỳ đặc biệt ở đây, thầy văn hóa của Viên lại chính là HLV Đặng Anh Tuấn, người có công phát hiện ra Viên từ cái ngày cô mới chỉ biết "bơi như con loăng quăng" (lời của ông Tuấn) và theo sát Viên suốt 7 năm qua.
HLV Đặng Anh Tuấn trên bục giảng giờ học môn toán - Ảnh: Trung Ninh

Kiến thức phổ thông của các môn học thông thường như văn, toán, địa lý, sử học… được ông truyền tải đến cô học trò cưng y như thầy giáo với học sinh ở trường học. Khi tập huấn ở Mỹ, Ánh Viên phải học từ những giáo trình được cập nhật hàng ngày từ Việt Nam gửi sang. Thời gian biểu được phân chia rõ ràng, cứ sau giờ tập bơi là giờ học.

Về TP.HCM, thời gian biểu không hề thay đổi. Khi học sinh bình thường tan lớp, hai thầy trò mới bắt tay vào việc học hành. Thầy đứng trên bục giảng, vẽ trên bảng hình học không gian rồi hướng dẫn cho trò cách tính toán.

Trò một mình ngồi dưới lớp, hí hoáy viết bài vào vở. Hết giờ học toán, lại chuyển sang giờ học sử với chủ đề chính là công nghiệp nặng có vai trò thế nào với sự phát triển của đất nước. Thú thật, nhìn tấm ảnh hai thầy trò cặm cụi ôn tập trên lớp, chúng tôi cảm thấy rất khâm phục và cảm động.
Hai thầy trò Ánh Viên đang cặm cụi ôn bài - Ảnh: Trung Ninh

Ông Tuấn chia sẻ: “Tôi đã tốt nghiệp 12 từ vài chục năm trở về trước, điều mà kiến thức cơ bản đôi lúc quên thì không có gì xấu hổ cả, một điều may mắn là tôi có thể ôn lại được. Ngoài kiến thức về bơi lội, tôi cũng phải đọc thật kỹ giáo trình của những môn văn hóa để giảng lại cho Viên.

Tôi làm thầy giáo văn hóa cho Viên từ lớp 10, lớp 11 cho đến lớp 12 như bây giờ. Tôi chưa thấy một VĐV ngoan ngoãn và có ý chí kiên cường, sắt đá như Viên. Tập luyện thể thao vô cùng cực nhọc nhưng Viên chưa bao giờ dám xao lãng chuyện học. 
Một tuần vừa qua là giai đoạn rất khó khăn với Viên vì Viên phải tập luyện với cường độ nặng và cao mà không bỏ học một buổi nào, không bỏ thi một buổi nào. Sự nghiệp học hành quan trọng không kém sự nghiệp bơi. Viên phải là người vừa có đức vừa có tài”.
Còn Ánh Viên bẽn lẽn: “Bơi là công việc chính của em nhưng em không muốn mình hụt hẫng kiến thức văn hóa. Em vừa muốn bơi tốt mà học cũng tốt. Nền tảng văn hóa là điều quan trọng của mỗi con người. Em không muốn mọi người nghĩ sai về VĐV là chơi thể thao thì không thông minh. 
Vì thế, em phải cố gắng học. Thực sự học văn hóa rất mệt vì phải nhớ rất nhiều công thức, nhiều bài học khác nhau. Nhưng nếu sợ vất vả thì không thể trở thành người toàn diện được”.

Sau khi thi học kỳ và có điểm, Viên cùng thầy Tuấn lại trở về Mỹ, lao vào chu kỳ huấn luyện mới chuẩn bị cho Olympic Brazil 2016. Dĩ nhiên, hai thầy trò không thể quên nhiệm vụ là còn học kỳ II và kỳ thi tốt nghiệp lớp 12 đang đợi ở phía trước!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.