(TNO) Phóng viên Thanh Niên Online đã có cuộc trò chuyện thú vị với HLV đội tuyển U.19 Việt Nam Guillaume Graechen. Ông Graechen là chuyên gia do hệ thống học viện JMG đưa qua phố núi để phụ trách đào tạo và điều hành Học viện HAGL Arsenal JMG.
>> HLV Guillaume Graechen: Họ là những cầu thủ lớn
>> Một ngày theo chân U.19 Việt Nam': Ông Graechen nắn gân AS Roma
>> HLV Guillaume Graechen: U.19 Việt Nam đã nạp đủ năng lượng
|
* Ông nhận xét thế nào về những tiến bộ của học trò mình, đặc biệt qua các giải đấu gần đây mà các học viên Học viện HAGL Arsenal JMG là thành phần nòng cốt của đội tuyển U.19 quốc gia?
HLV Guillaume Graechen: Các em - vốn vẫn còn trong quá trình đào tạo ở học viện - đã có nhiều bài học vô cùng quý giá về kỹ thuật, chiến lược, tâm lý, đặc biệt là qua những trận thua trước các đối thủ mạnh.
Những năm trước, các em có lợi thế là thường xuyên được tập huấn với các cầu thủ đồng trang lứa ở nhiều lò đào tạo bóng đá trên thế giới: cùng hệ thống JMG (ở Bỉ, Ai Cập…), học viện Aspire (Qatar), lò đào tạo Arsenal…
Chẳng hạn, một chuyến tập huấn 3 tuần với nhiều trận thua ở học viện JMG Ai Cập có thể có giá trị bằng 5 tháng tập luyện bình thường. Nhưng tôi nhắc lại một lần nữa, các em khóa 1 của HAGL Arsenal JMG vẫn còn đang trong quá trình đào tạo và chắc chắn trình độ kỹ - chiến thuật sẽ còn hoàn thiện hơn trong thời gian tới.
Từ 6 năm qua, chúng tôi xây dựng chương trình huấn luyện để sự tiến bộ của các học viên đến một cách tự nhiên, bền vững. Quan trọng nhất, đó phải là bóng đá đẹp, cởi mở, được xây dựng trên tình yêu đích thực với quả bóng tròn.
* Vì sao cựu danh thủ Jean Marc Guillou, nhà sáng lập học viện JMG muốn các học trò của mình khởi đầu quá trình học đá bóng với chân trần?
HLV Guillaume Graechen: Là cầu thủ chuyên nghiệp và là cựu tuyển thủ Pháp nên ông Guillou phải… mang giày khi chơi bóng nhưng ông ấy luôn thích chơi với chân trần.
Ông Guillou từng có nhiều năm sinh sống ở những thành phố ven biển và không ít lần chơi bóng đá bãi biển với chân trần. Ông nhận ra khi ấy cảm giác bóng tốt hơn, đôi chân sẽ linh hoạt hơn. Chưa kể, vào thời điểm sáng lập học viện (1994), giày đá bóng nặng hơn bây giờ nhiều.
|
Đối với các học viên nhí ở độ tuổi 11-12, hệ cơ bắp chưa phát triển, mang giày sẽ thật sự là gánh nặng với các em. Ngoài ra, ở những nước châu Phi có nền kinh tế còn khó khăn, không phải ai cũng đủ điều kiện sắm giày đá bóng cho mình nên việc chơi chân trần vốn đã phổ biến.
Sau quá trình thử nghiệm ở Bờ Biển Ngà và thấy hiệu quả rất tốt, ông Guillou đã áp dụng phương pháp này cho toàn bộ học viện được mở sau đó.
Nếu như điều kiện để “được” mang giày - tức đạt trình độ kỹ thuật bậc 3 - ở khóa đầu của Học viện Bờ Biển Ngà khá “dễ nuốt” thì nay đã khó hơn rất nhiều.
Ông Guillou đã bỏ nhiều thời gian để tăng tính phức tạp cho các bài kiểm tra nên từ chỗ chỉ mất từ 1-3 năm để đạt bậc 3, các học viên JMG hiện mất từ 3-5 năm cho cùng mục đích. Chính vì thế, hầu như những cầu thủ nhí nào được mang giày sớm nhất, sau khi “tốt nghiệp” cũng chính là những cầu thủ nổi bật nhất.
* Ông có thể nói chi tiết hơn về chương trình huấn luyện và tôn chỉ đào tạo của JMG?
HLV Guillaume Graechen: Các em sẽ có rất nhiều dạng bài tập để phát huy kỹ thuật cá nhân và sự phối hợp đồng đội như tâng bóng cá nhân, tâng bóng phối hợp 2 - 3 cầu thủ, đấu tập theo nhóm…
Thời gian đầu, các em sẽ chỉ đấu tập trên sân 40 m và theo hình thức 5 chống 5, dần dần chúng tôi nâng lên thành sân 60 m, 7 chống 7… Tất cả chương trình đào tạo dựa trên “triết lý bóng đá” của học viện JMG: Thu nhỏ mình lại để trở nên lớn hơn.
Chỉ riêng câu “khẩu hiệu” này đã bao gồm tất cả: hiểu rằng mình “chưa là gì” để luôn nỗ lực tối đa; tôn trọng mọi người, tôn trọng cuộc chơi để cống hiến một thứ bóng đá đẹp mắt. Và một điều quan trọng nữa là chúng tôi luôn chú ý giữ cho việc tập luyện, thi đấu luôn là niềm vui đối với các em.
Nguyễn Ngọc Lan Chi (thực hiện)
Bình luận (0)