Cái son của ông "Sáu Sang" Kim Sang-sik
Trên sân Rizal Memorial tại Philippines, HLV Kim Sang-sik có lúc như ngồi trên lửa, trước khi Doãn Ngọc Tân gỡ hòa 1-1 ở phút 90+7.
Sau đó vài ngày tại trận bán kết lượt đi tại Singapore, đội tuyển Việt Nam cũng có những phút giây cực kỳ căng thẳng, từ pha phạm lỗi của Hồ Tấn Tài, bàn thắng không được công nhận của Xuân Son và 2 bàn thắng phút 90+11 và 90+14 của Tiến Linh và Xuân Son.
Đội tuyển Việt Nam đã trải qua gần 5 trận rưỡi, chính xác là 495+1, không ghi bàn trong hiệp 1, cho đến khi Xuân Son thực hiện thành công quả phạt đền phút 45+1 ở trận bán kết lượt về trên sân Việt Trì.
Highlight Thái Lan 2-3 Việt Nam: Chức vô địch AFF Cup xứng đáng cho các chiến binh sao vàng
Nhưng may sao các cầu thủ của chúng ta luôn có bàn thắng cần thiết trong hiệp 2. Đó là 2 cú sút liên tiếp của Quang Hải đem về bàn thắng duy nhất trong chiến thắng 1-0 mang tính bản lề trước Indonesis.
Hoặc cú sút nối đẳng cấp của Hai Long ở phút 58 ngay trước khi được thay ra ở trận ra quân gặp Lào, giúp thầy trò HLV Kim Sang-sik "nóng máy" và rời sân với chiến thắng 4-1.
Đặc biệt, món quà lớn nhất mà bầu Thiện của CLB Nam Định tặng cho HLV Kim Sang-sik là Nguyễn Xuân Son. Cầu thủ sinh năm 1997 nhập tịch thành công để trở thành trung phong đạt mức toàn diện "chưa từng có" trong lịch sử đội tuyển Việt Nam.
"Nghe Xuân Son thấy xuân sang", Xuân Son đã trở thành hiện tượng chưa từng có, với màn ra mắt ấn tượng nhất lịch sử AFF Cup với 7 bàn thắng trong 4 trận liên tiếp, trong đó có 3 cú đúp trước Myanmar, Singapore và Thái Lan.
Sự xuất hiện của Xuân Son đã trở thành cơn ác mộng của mọi hàng thủ Đông Nam Á, đến mức người Singapore và madam Pang nói thẳng muốn mua về bằng mọi giá, đến các cầu thủ Thái Lan cao ngạo cũng phải nói lời xin lỗi.
Sự xuất hiện của Xuân Son đã giải quyết hàng loạt vấn đề về lối chơi cho đội tuyển Việt Nam. Khả năng tì đè, làm tường, phối hợp hay tác chiến độc lập của cầu thủ gốc Brazil đã giúp vực dậy sự tự tin cho cả tập thể.
Nhưng ông Kim cũng rất hay
Nhưng may mắn dù nhiều đến đâu cũng sẽ không thể "gánh" được trong cuộc chiến đường trường dài đến 8 trận đấu, trong đó có 2 màn so tài đỉnh cao ở chung kết với kình địch Thái Lan. Trong suốt hành trình 8 tháng cầm quân của mình, HLV Kim Sang-sik không có nhiều phát biểu "đao to búa lớn". Những thông điệp của ông rất đơn giản nhưng rõ ràng.
Đặc biệt, bản lĩnh của nhà cầm quân sinh năm 1976 thể hiện qua các hành động quyết đoán. Khi không gọi tên hàng loạt trụ cột, chấp nhận chỉ trích từ một bộ phận dư luận khi bỏ qua Công Phượng để trao cơ hội cho những cầu thủ trẻ hoặc kém tiếng tăm như Vĩ Hào, Hai Long, Ngọc Tân, Tiến Anh, Ngọc Quang…
Cái hay của ông Kim nằm ở chỗ ông đủ tỉnh táo và khôn ngoan để thực hiện thay máu một cách vừa mức, đảm bảo sự cân bằng khi những người khát khao chứng tỏ sẽ được bù đắp bằng kinh nghiệm của Duy Mạnh, Tiến Dũng, Thành Chung, Hoàng Đức, Tiến Linh…
Đặc biệt, ông Kim đã tạo ra được bầu không khí giàu năng lượng cống hiến, khi cái tôi của mỗi cầu thủ sẽ lùi lại, hòa nhịp vào mục tiêu chung của cả tập thể. Cơ hội sẽ trao cho những ai đủ khát khao, thể lực và phong độ cao nhất!
Ngoài các liệu pháp tâm lý và tinh thần, ông Kim cũng để lại dấu ấn với cách cầm quân "tắc kè hoa" khó đoán định của mình. Tổng cộng, nhà cầm quân người Hàn Quốc đã sử dụng 8 đội hình khác nhau trong 8 trận liên tiếp.
Không chỉ mạnh dạn trong các trận đấu với các đối thủ "dưới cơ", ông Kim gây bất ngờ khi sẵn sàng sử dụng những nhân tố trẻ như Văn Khang, Vĩ Hào, Hai Long. Ngược lại, đội trưởng Duy Mạnh hay Quang Hải, Tiến Linh chấp nhận ngồi dự bị và luôn cháy hết mình mỗi khi vào sân để quyết định trận đấu.
Rõ nhất là quyết định sử dụng song song Nguyễn Filip và Đình Triệu ở vòng bảng. Đình Triệu khi được trao cơ hội đã chứng tỏ năng lực và trở thành "kép chính" để trở thành là chắn thép trong khung thành đội tuyển Việt Nam.
Điều này cho thấy HLV Kim Sang-sik dù trẻ tuổi nghề nhưng có bản lĩnh của người đã có chục lần đăng quang K-League trong vai trò cầu thủ đến khi cầm quân. Ông có sự táo bạo của tuổi trẻ và quyết đoán cần thiết của người nhiều năm sống trong môi trường thể thao đỉnh cao.
Nhờ vậy, đội tuyển Việt Nam luôn có 2-3 cái tên cạnh tranh cho mỗi vị trí, tổng cộng 25/26 cầu thủ (ngoại trừ thủ môn trẻ Trung Kiên) đều đã vào sân thi đấu. Như Tuấn Hải được "cất" kỹ cả AFF Cup, đã bất ngờ đá chính và đem về 2 bàn thắng cho đội tuyển Việt Nam.
Tất cả những điều đó đã là nền tảng thành công, kể cả khi Xuân Son bị đau nặng rời sân thì đội tuyển Việt Nam vẫn thể hiện được bản lĩnh, làm nín lặng Rajamangala, khiến "Voi chiến" Thái Lan phải muối mặt chơi không fair-play để có bàn gỡ, thậm chí bất chấp đá xấu, nhưng phải nhận thất bại xứng đáng.
Bình luận (0)