Bài kiểm tra của HLV Kim Sang-sik
Trước khi tập trung cùng đội tuyển Việt Nam, HLV Kim Sang-sik sẽ có 5 ngày làm việc cùng U.22 Việt Nam. Đây không phải đợt huấn luyện cho giải đấu cụ thể, bởi sang năm 2025, U.22 Việt Nam mới tham dự vòng loại U.23 châu Á và SEA Games 33. Tuy nhiên, 5 ngày làm việc với lứa trẻ, bao gồm các cầu thủ từ U.18 đến U.23, vẫn đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch phục hưng đội tuyển của ông Kim. Bởi chiến lược gia người Hàn Quốc cần đợt tập trung này để huấn luyện trực tiếp, nhìn nhận và đánh giá năng lực của từng thành viên.
Trong 35 cầu thủ U.22, đã có những gương mặt thi đấu tại V-League, góp mặt ở vòng chung kết U.23 châu Á như Nguyễn Đình Bắc, Bùi Vĩ Hào, Nguyễn Thanh Nhàn, Khuất Văn Khang, nhưng cũng có những cái tên mới mẻ như Nguyễn Công Phương, Mai Quốc Tú...
HLV Kim Sang-sik đã gộp chung lực lượng trẻ cả cũ và mới, với thông điệp ngầm: dù đã chứng minh năng lực ở các cấp độ trẻ, hay mới chỉ ở mức tiềm năng, các cầu thủ U.22 Việt Nam sẽ được đánh giá với tiêu chuẩn ngang bằng, thể hiện ở hiệu quả và thái độ tập luyện. "Ông Kim động viên chúng tôi chơi bóng với tất cả niềm đam mê, cứ nỗ lực hết mình để chứng tỏ khả năng và phải thật vui vẻ", Thanh Nhàn khẳng định.
Bầu không khí thoải mái là nét đặc trưng dưới thời HLV Kim Sang-sik, nhưng ẩn sâu trong đó là cuộc cạnh tranh để giành suất dự các giải chính thức trong năm 2025, hay gần hơn là nỗ lực để được khoác áo đội tuyển Việt Nam.
Bài toán cho HLV Kim Sang-sik sau vòng loại World Cup
Trẻ hóa ra sao?
Trẻ hóa là công thức chung mà những người tiền nhiệm của ông Kim Sang-sik đã áp dụng ở đội tuyển Việt Nam, như ông Philippe Troussier và Park Hang-seo.
Thời ông Park, sau thành công của lứa U.23 Việt Nam tại giải U.23 châu Á 2018, toàn bộ khung trẻ đã được đôn lên đội tuyển Việt Nam để thay thế đàn anh. Quả ngọt cho quá trình trẻ hóa là 5 năm thành công vang dội, với đỉnh cao là chức vô địch AFF Cup 2018, tấm vé đá vòng loại thứ ba World Cup 2022 và suất dự tứ kết Asian Cup 2019.
Đến thời ông Troussier, trẻ hóa tiếp tục là yếu tố cốt lõi để xây dựng đội tuyển. Nhà cầm quân người Pháp đưa hàng loạt học trò như Phan Tuấn Tài, Nguyễn Thái Sơn, Võ Minh Trọng, Đình Bắc... từ đội U.23 lên đội tuyển quốc gia. Tuy nhiên, ông Troussier thất bại.
Cùng trẻ hóa, tại sao ông Park thành công, còn HLV Troussier thì không? Câu trả lời trước tiên nằm ở chất lượng con người. Dàn sao trẻ của HLV Park đã kinh qua nhiều giải đấu lớn, tích lũy đủ thành công và cả thất bại, sớm được trọng dụng ở V-League và chứng thực đẳng cấp. Bởi vậy, việc đôn các cầu thủ trẻ lên tuyển chỉ là bước đi tất yếu, khi Quang Hải cùng đồng đội đã đạt độ chín năng lực.
Ngược lại, học trò trẻ của ông Troussier đã bị "chín ép", lên đội tuyển Việt Nam khi thực ra còn chưa thể hiện được nhiều ở đội trẻ.
Ngoài ra, HLV Park Hang-seo cũng đan cài hợp lý hơn giữa lứa cũ và lứa mới. Còn với HLV Troussier, ông dường như vội vàng khi để lứa U.23 đá chính, trở thành hạt nhân trong lối chơi, đồng thời ruồng bỏ nhiều cựu binh.
Bài học từ người tiền nhiệm sẽ giúp HLV Kim Sang-sik lựa chọn cách trẻ hóa phù hợp. Lứa trụ cột đội tuyển hiện tại đang ở độ tuổi đỉnh cao (chủ yếu ở độ tuổi 27 đến 30), sẽ đi xuống trong 2 đến 3 năm tới. Việc đôn sao trẻ lên đội thay thế đàn anh là bắt buộc. Vấn đề là làm thế nào cho khéo, và chọn lọc nhân tố nào xứng đáng.
Những đợt tập trung đá giao hữu trong tháng 9, 10 sẽ giúp nhà cầm quân người Hàn Quốc từng bước chuyển giao đội tuyển. Hãy cứ làm thật từ từ và chắc chắn!
Bình luận (0)