HLV Miura 'bắn' một mũi tên trúng nhiều đích?

10/05/2015 12:37 GMT+7

(TNO) Cựu cầu thủ U19 Việt Nam Nguyễn Công Phượng, chàng trai 20 tuổi, có lẽ sẽ không bao giờ quên trong sự nghiệp của mình cái ngày 6.5 vừa rồi. Đó là ngày mà HLV Toshiya Miura đã đôn anh từ U.23 lên đội tuyển quốc gia...

(TNO) Cựu cầu thủ U19 Việt Nam Nguyễn Công Phượng, chàng trai 20 tuổi, có lẽ sẽ không bao giờ quên trong sự nghiệp của mình cái ngày 6.5 vừa rồi. Đó là ngày mà HLV Toshiya Miura đã đôn anh từ U.23 lên đội tuyển quốc gia...
Công Phượng (10) cùng khoác áo đội tuyển quốc gia và U.23 - Ảnh: Minh Tú
Có nhiều đồn đoán đang diễn ra và khiến dư luận có nhiều bình luận khác nhau. Riêng tôi, tôi cho rằng vị HLV của cả 2 đội tuyển này có thể đã có "âm mưu" và không phải không có lý của ông. Chúng ta cần được lưu ý theo dõi, chớ vội chê bai sớm.

Tại sao Văn Quyến khi mới bước sang tuổi 18 đã được tham gia đội tuyển quốc gia trong khi Công Phượng, nay cũng đã sang tuổi 20 lại không được là sao? 

Rất có thể đây là cú "khích tướng" của ông Miura để giúp cho các tuyển thủ quốc gia khác không được chủ quan trong quá trình tập luyện và nó càng không hẳn do thiếu quân. 

Bản thân các tuyển thủ đàn anh hiện nay như Vũ Minh Tuấn cũng phải thừa nhận: "Công Phượng là cầu thủ hoàn toàn đủ trình độ tập luyện cùng đội tuyển Việt Nam”.

Bên cạnh đó, không loại trừ khả năng ông Miura muốn thực sự có một làn gió mới tích cực, khát vọng hơn trong đội tuyển khi mà lứa cầu thủ đàn anh như Công Vinh cũng đã đứng bên sườn dốc của sự nghiệp. 

Hơn nữa, thực tế suốt 10 trận đấu giải V-League vừa rồi, tuy Công Phượng chưa thể giúp CLB HAGL bứt lên để có một vị trí nào đó trên bảng xếp hạng, nhưng sự xuất hiện của anh ở bất cứ sân nào luôn kéo khán giả đông lên gấp 5 gấp 10 so với trận đấu khác. 
CĐV Việt Nam trên sân Mỹ Đình ở trận U.23 Việt Nam đá giao hữu với U.23 Hàn Quốc tối ngày 9.5 - Ảnh: Minh Tú
Phải chăng thứ bóng đá đẹp mắt của những tuyển thủ từng khoác áo đội U.19  vẫn còn có sức hấp dẫn mãnh liệt với người hâm mộ? Và như vậy, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam cũng phải cám ơn "đám trẻ U.19 HAGL Arsenal JMG nhà bầu Đức" đấy!  

Phải chăng cái bữa Bầu Hiển dự khán trận đấu trên sân Hàng Đẫy (Hà Nội), khi thấy khán giả đến chật sân mà lòng chưa thật vui bởi ông hiểu rõ, khán giả tới sân hôm đó không phải vì đội của ông mà vì... đội khách họ yêu thích, dù trước đó, HAGL bại trận liếng xiểng... Rồi ở các địa phương khác cũng thế. Vô tình, họ có được khá nhiều cổ động viên trung lập, chỉ do yêu bóng đá đẹp mà mua vé đến xem.

Điều này quả thật "xưa nay hiếm"!

Vậy thì tại sao không nghĩ tới chuyện ông Toshiya Muura muốn có nhiều khán giả đến sân đông hơn, muốn xóa dần nỗi u ám của một thời kỳ bóng đá Việt Nam thưa vắng khán giả đến sân cho dù đó có là đội tuyển quốc gia thi đấu chăng nữa? 

Điều này, theo tôi không nên loại trừ khả năng ông HLV người Nhật đã rất toan tính. Và khi đã có đông khán giả đến sân, đội tuyển của ông sẽ có thêm cầu thủ thứ 12 (khán giả). Đó là điều rất tốt cho bóng đá nước nhà. 

Có lẽ, qua câu chuyện trên, chúng ta không nên vội chê bai một cách suy đoán mà hãy nên giản đơn hơn trong cách nghĩ. Tôi cho rằng, dù có mục đích gì thì ông thầy người Nhật cũng "nhất cử lưỡng tiện". Thậm chí, Công Phượng và lớp đồng niên, đồng môn dù chỉ là cầu thủ dự bị của đội tuyển quốc gia trong các trận đấu giao hữu sắp tới thì cũng có những cái tích cực của nó. 

Hơn nữa, khi đôn lên mà thấy chưa ổn ông Miura vẫn có thể điều động trở lại U. 23 bởi theo ông, nó cũng không ảnh hưởng gì khi cả 2 đội tuyển vẫn đá cùng phong cách và do ông cầm quân.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.