World Cup cho U.17 Việt Nam: Có khả thi?
U.17 Việt Nam đã giành quyền dự vòng chung kết U.17 châu Á 2025, sau khi vượt qua vòng loại với thành tích bất bại. Ở vòng chung kết, thầy trò HLV Cristiano Roland sẽ cạnh tranh vé đến U.17 World Cup 2025.
Ở các giải trước, chỉ có các đội vào bán kết châu Á mới có vé đến World Cup. Tuy nhiên từ năm tới, U.17 World Cup mở rộng số đội tham dự lên 48. Điều đó đồng nghĩa, nếu vượt qua vòng bảng, U.17 Việt Nam sẽ có vé tới sân chơi cao nhất bóng đá trẻ thế giới.
Trả lời phỏng vấn Báo Thanh Niên, HLV Roland cho rằng U.17 Việt Nam sẽ gặp khó khăn ở vòng chung kết, nhưng mục tiêu World Cup chẳng phải bất khả thi.
- Nhìn lại quãng thời gian huấn luyện U.17 Việt Nam vừa qua, trong đó đặc biệt là 3 trận ở vòng loại U.17 châu Á, điều gì khiến ông hài lòng và chưa hài lòng?
Ở thời điểm tôi tiếp nhận đội U.17 Việt Nam, các cầu thủ ở trạng thái tinh thần không tốt. Một số gương mặt mất tự tin, sau thất bại ở giải U.16 Đông Nam Á tổ chức tại Indonesia. Điều quan trọng nhất tôi và ban huấn luyện xác định, đó là truyền tải đến cầu thủ sự động viên. Cần để U.17 Việt Nam thấy rằng họ có khả năng làm được, có thể chơi tốt hơn nữa.
Tại giải giao hữu Peace Cup 2024 tại Trung Quốc, U.17 Việt Nam từng thua 0-4 trước chủ nhà trong ngày ra quân. Tôi hiểu rằng có những vấn đề xung quanh khiến đội chơi không tốt. U.17 Việt Nam phải di chuyển đường dài, chỉ nghỉ 1 ngày trước khi đá với U.17 Trung Quốc. Tuy nhiên, tôi nói với cầu thủ rằng hãy nhìn vào cả quá trình trận đấu, tập trung vào những thứ đã làm được. Thất bại ấy chỉ thuần túy là cầu thủ đã nỗ lực nhưng không có kết quả tốt mà thôi.
Sau đó, U.17 Việt Nam đánh bại U.17 Nhật Bản. Các cầu thủ được tiếp thêm tinh thần và tự tin. Song, ban huấn luyện đã giữ đôi chân họ trên mặt đất để tập trung cho vòng loại U.17 châu Á 2025. Chúng tôi đã chuẩn bị tốt, từ kế hoạch, đấu pháp đến những chi tiết nhỏ nhất cho 3 trận đấu vòng loại. Ban huấn luyện không chỉ phải vạch ra kế hoạch kỹ lưỡng, mà còn cần thuyết phục cầu thủ tin vào con đường chúng tôi đã chọn, hiểu rằng nếu cố gắng hết mình và tập trung hơn vào quá trình, “quả ngọt” sẽ đến.
U.17 Việt Nam đã vượt qua vòng loại châu Á, như vậy là đạt mục tiêu. Tôi hài lòng bởi các cầu thủ đã thi đấu rất thông minh, biết mình cần điều chỉnh ra sao trong từng trận đấu, thích nghi tốt với diễn biến trên sân.
- Trong trận đấu với U.17 Yemen, các cầu thủ đã chơi thận trọng trong hiệp 2, với hy vọng giữ tỷ số 1-1 để giành ngôi nhì xuất sắc nhất. Có người cho rằng đây là cách chơi quá thực dụng với bóng đá trẻ, nhưng cũng có người nói U.17 Việt Nam nên đá như vậy, bởi bóng đá cần kết quả. Ông nghĩ sao?
Trong bóng đá, chẳng điều gì quan trọng hơn đạt được mục tiêu. Như tôi đã nói, mục tiêu của U.17 Việt Nam là vượt qua vòng loại U.17 châu Á, bước tới vòng chung kết. Tinh thần tôi cũng như ban huấn luyện truyền tải cho các cầu thủ là chơi để chiến thắng, giải quyết từng trận đấu.
Ở trận gặp U.17 Yemen, các cầu thủ U.17 Việt Nam hiểu rằng với kết quả là yếu tố cốt lõi, quan trọng nhất. Họ hiểu rõ với bối cảnh đua tranh ở bảng đấu, U.17 Việt Nam phải giữ được tỷ số hiện tại. Các cầu thủ đã thực hiện, điều chỉnh và có tỷ số mong muốn để góp mặt ở vòng chung kết.
Một ví dụ rất cụ thể, là ở vòng loại U.20 châu Á 2025, U.20 Việt Nam với độ tuổi lớn hơn, giàu kinh nghiệm hơn, nhưng các cầu thủ đã không hiểu được tầm quan trọng của kết quả trong trận đấu với U.20 Syria (chỉ cần hòa là sáng cửa đi tiếp), bởi vậy họ không kiểm soát và điều chỉnh được diễn biến trận đấu.
Tuy nhiên, các cầu thủ U.17 Việt Nam dù mới 15, 16 tuổi nhưng đã làm được điều đó. Tôi chúc mừng cầu thủ khi họ ý thức được tầm quan trọng của kết quả để điều chỉnh cách chơi. Họ rất thông minh và biết cách kiểm soát tình hình. Đó là điều cầu thủ đã làm được.
Tôi luôn mong muốn U.17 Việt Nam được chơi những trận đấu ở đẳng cấp cao hơn nữa. Chúng ta đã có vé đến vòng chung kết châu Á 2025 để so tài với những đội mạnh hơn, lại có cơ hội dự U.17 World Cup nữa.
- U.17 Việt Nam đã thắng Nhật Bản, Uzbekistan ở loạt đấu giao hữu, nhưng khi đá thật lại bộc lộ nhiều nhược điểm. Có phải áp lực tâm lý ở giải chính thức đã đè nặng lên học trò của ông?
Không thể so sánh các trận giao hữu gặp Nhật Bản, Uzbekistan với các trận ở vòng loại U.17 châu Á. Bởi trong các trận đấu giao hữu tại Trung Quốc, đối thủ của U.17 Việt Nam như U.17 Nhật Bản, U.17 Uzbekistan vào sân với mục tiêu chiến thắng. Họ đẩy cao đội hình gây áp lực và tấn công liên tục, tạo ra sức ép lớn. Các cầu thủ U.17 Việt Nam đã tận dụng khoảng trống mà đối thủ để lại phía sau lưng hàng thủ để khai thác. Những pha phản công nhanh đã mang về bàn thắng và chiến thắng cho U.17 Việt Nam.
Còn ở các trận gặp U.17 Kyrgyzstan hay U.17 Myanmar lại rất khác. Đối thủ chủ động phòng ngự, giữ cự ly đội hình thấp. Điều này đòi hỏi U.17 Việt Nam phải biết cách kiểm soát trận đấu, tạo ra khoảng trống, “nhử” hay đánh lừa đối thủ để có thể đạt mục tiêu. Các cầu thủ đã làm được trọn vẹn yêu cầu. Hay như tôi vừa phân tích, ở trận gặp U.17 Yemen, U.17 Việt Nam biết cách đã để giữ tỷ số 1-1 trong hiệp 2.
Ở cấp độ trẻ, ban huấn luyện luôn chuẩn bị tốt nhất kỹ năng ứng phó cho cầu thủ, để có thể đương đầu với nhiều kiểu lối chơi, từ tấn công chủ động đến phòng ngự phản công. Tôi cho rằng U.17 Việt Nam đã đáp ứng đấu pháp.
Dù vậy, tôi vẫn cho rằng U.17 Việt Nam cần được thi đấu nhiều hơn để làm quen với áp lực và thích nghi với hoàn cảnh. Mỗi trận đấu là một thử thách, bối cảnh khác nhau, chẳng trận nào giống trận nào cả. Do đó, càng được trải nghiệm, cầu thủ càng cứng cáp và chín chắn hơn.
- U.17 Việt Nam đã lọt tới vòng chung kết U.17 châu Á 2025. Cánh cửa dự World Cup cũng rộng mở hơn, với 8 suất cho các đội châu Á, đồng nghĩa vượt qua vòng bảng là có vé đi World Cup. Chúng ta có thể mơ mộng?
Với tôi, mục tiêu đầu tiên là có mặt ở vòng chung kết, U.17 Việt Nam đã làm được. Còn ở vòng chung kết, giải đấu sẽ quy tụ những đội U.17 mạnh nhất châu lục. Thử thách của U.17 Việt Nam rất khó khăn, nhưng không có nghĩa mục tiêu World Cup là bất khả thi hay nằm ngoài tầm với.
Chúng tôi sẽ chuẩn bị tốt nhất, cố gắng hoàn thiện mọi công đoạn chu toàn nhất, từ sàng lọc và tập trung lực lượng, huấn luyện, củng cố lối chơi, rèn thêm mảng miếng tấn công và phòng ngự hay cải thiện tâm lý, thể lực cho cầu thủ. U.17 Việt Nam phải trải qua giai đoạn chuẩn bị khắc nghiệt để hướng tới sân chơi U.17 châu Á. Song, các cầu thủ đã nắm rõ mục tiêu rồi. Đó là điều cốt lõi.
- Ông dự kiến sàng lọc lực lượng để triệu tập đội hình thế nào, khi giải trẻ sẽ không diễn ra trong 6 tháng tới, mà cầu thủ U.17 Việt Nam đến từ nhiều CLB khác nhau?
Ban huấn luyện phải chuẩn bị chu đáo, ngay từ khâu tuyển chọn cầu thủ. Tôi có nhiều thành viên trong ê-kíp trợ lý. Họ luôn liên kết với ban huấn luyện của các đội U.17 khác trong nước để nắm bắt tình hình cầu thủ. Ngoài lắng nghe thông tin và cập nhật tình hình từ các HLV ở CLB, chúng tôi cũng cử người đến tận nơi theo dõi quan sát và đánh giá cầu thủ. Cũng như việc chuẩn bị vòng loại U.17 châu Á đã qua, việc chuẩn bị cần đảm bảo để có lựa chọn tốt nhất, từ đó đạt được mục tiêu mong muốn.
Cầu thủ trẻ cần thêm trận đấu
- Ở Bồ Đào Nha, quê hương của ông, cũng như các nền bóng đá phát triển, cầu thủ trẻ được chơi khoảng bao nhiêu trận mỗi năm, và việc được thi đấu liên tục có ý nghĩa ra sao với cầu thủ trẻ?
Ví dụ ở Bồ Đào Nha, mỗi đội trẻ có khoảng 40 trận đấu chính thức/năm. Cứ mỗi cuối tuần, các cầu thủ trẻ lại có 1 trận đấu chính thức. Điều này cần thiết không chỉ với cầu thủ, mà còn là ban huấn luyện. Phải có các trận và các giải chính thức, ban huấn luyện mới có guồng làm việc, nắm rõ công tác tổ chức, chuẩn bị cho giải đấu. Như vậy, việc có nhiều trận đấu sẽ giúp cả thầy và trò cùng đi lên.
Phải nhấn mạnh là VFF đã cố gắng để mang tới các giải trẻ, nhưng thực tế cho thấy như U.17 Hà Nội vào tới chung kết, có 16 trận để đá đã là may mắn. Những đội bóng không vượt qua vòng loại thì sao? Họ chỉ có 8 trận mỗi năm mà thôi. Con số đó quá ít để cầu thủ làm quen với áp lực thi đấu. Họ sẽ không bắt nhịp tốt với guồng chuẩn bị cho một trận đấu, có thể sẽ bỡ ngỡ trước sức ép, chẳng quen với việc hát Quốc ca hay có người hâm mộ đến sân theo dõi.
Cầu thủ càng quen với áp lực, rào cản tâm lý càng dễ bị xóa nhòa.
- Dường như sau lứa Quang Hải, Văn Hậu với thành công vang dội giai đoạn 2018 - 2022, bóng đá trẻ Việt Nam đang rất thiếu tài năng để tạo ra lớp kế cận. Nguyên nhân ở đâu?
Khác biệt chủ chốt đến từ HLV trưởng. Vai trò của nhà cầm quân trong bóng đá rất quan trọng. Họ là lãnh đạo, người truyền lửa, tạo ra động lực và quản lý cầu thủ ở trong lẫn ngoài bóng đá. Để một đội bóng có thể tiến lên, rất cần niềm tin của cầu thủ đặt vào HLV trưởng. Họ cần tin vào triết lý của HLV và làm theo, như vậy mới thành công được.
Ví dụ đơn giản nằm ở chính lứa trẻ mà tôi đang huấn luyện. Khi tôi mới nắm U.17 Hà Nội, các cầu thủ này 1 năm trước còn là đội U.15 Hà Nội đã thua U.15 HAGL ở giải quốc gia. Và 1 năm sau, chúng tôi đã cùng chuẩn bị kỹ lưỡng, vạch ra lộ trình chi tiết. Sau đó, U.17 Hà Nội đã đánh bại U.17 HAGL 2 lần, 1 lần ở vòng bảng, 1 lần ở chung kết, bằng đúng bộ khung con người đã thua HAGL năm xưa.
Còn với U.17 Việt Nam, vẫn là những cầu thủ từng thua Indonesia 5 bàn không gỡ ở giải Đông Nam Á, sau đó đã thắng Nhật Bản với tỷ số 1-0 tại giải giao hữu ở Trung Quốc. Nói vai trò của nhà cầm quân rất quan trọng là vì vậy. Họ cần truyền tải được niềm tin đến cầu thủ, với đấu pháp rõ ràng và hợp lý, để các cầu thủ tuân theo, dám chơi bóng, dám đối đầu và thể hiện điểm mạnh của mình.
Ngoài ra trong bóng đá, có những HLV trưởng làm việc rất tốt, nhưng thành công lại không đến. Luôn có rào cản giữa nỗ lực và kết quả, song không thể thay đổi luận điểm rằng chúng ta cần những HLV tốt để nâng tầm cầu thủ và chạm đến thành công, cả trong bóng đá trẻ lẫn bóng đá đỉnh cao.
- Bên cạnh người thầy giỏi, bóng đá trẻ Việt Nam có thiếu những yếu tố căn bản khác như khoa học thể thao, dinh dưỡng, huấn luyện tâm lý và thể lực?
Không phải đội bóng nào cũng đầu tư đầy đủ cho hệ thống đào tạo trẻ, từ bác sĩ tâm lý, chuyên gia y tế và dinh dưỡng hay HLV thể lực. Tại hệ thống trẻ của CLB Hà Nội, tôi cũng như các cầu thủ may mắn được tạo điều kiện tốt nhất trên mọi khía cạnh như dinh dưỡng, thể lực. Không phải đội nào cũng được đầu tư kỹ càng ở khâu đào tạo trẻ đâu.
Ở những nền bóng đá châu Âu, cầu thủ trẻ được chăm sóc rất kỹ càng, không chỉ về huấn luyện chuyên môn mà còn là những yếu tố khác, trong đó có ăn uống ra sao, cần dinh dưỡng thế nào để phát triển các nhóm cơ, phục vụ bài tập đặc thù, hay tập luyện thể lực thế nào để phát triển sở trường chuyên môn. Tuy nhiên, yếu tố này đòi hỏi nguồn đầu tư rất lớn. Để nâng tầm bóng đá trẻ, chúng ta cần nguồn lực đầu tư và kế hoạch phát triển tổng thể, toàn diện như vậy.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Bình luận (0)