(TNO) Tại sao HLV Trần Bình Sự lại có biệt danh là Sự ‘đỉa', lý do gì khiến ông thượng tá từ bỏ ngành công an, bóng đá Việt Nam tồn tại nạn ‘bôi trơn’ như thế nào...
HLV Trần Bình Sự khi dẫn dắt CLB Đồng Nai - Ảnh: Minh Tú
|
Cựu HLV CLB Đồng Nai đã có những chia sẻ hết sức thật lòng và thẳng thắn trong chương trình “Góc khuất” được phát trên Thể thao TV cách đây ít ngày.
Đây là một chương trình hay, bởi nó đã “lôi” được trong tâm can HLV Trần Bình Sự những “góc khuất” thầm kín về bóng đá, những tâm trạng vui, buồn, sốc, thất vọng và đôi khi “dính” một chút gì đó chán nản.
Vui, chẳng hạn như ông chia sẻ về cái tên Sự “đỉa”, chỉ đơn giản là thế này: “Năm tôi học lớp 6, từ trường Đinh Tiên Hoàng trở về nhà khoảng 3 cây số, đi ngang qua Nhà hát lớn thành phố Hải Phòng, có đèn cao áp, chúng tôi buộc lưới làm cầu gôn đá bóng. Bị tôi kèm chặt quá nên hậu vệ bảo tôi: cậu như con đỉa”.
Vui, khi ông tiết lộ: “Tôi đã từng làm thầy của rất nhiều HLV nội, phải kể đến HLV Phan Thanh Hùng, Hoàng Anh Tuấn, Lê Huỳnh Đức, Ngô Quang Trường, Phạm Như Thuần. Tôi làm nghề bóng đá từ khi HLV Hoàng Thanh Tùng của FLC Thanh Hóa còn chưa sinh ra đời”.
Vui, khi ông kể về lai lịch… chiếc mũ có logo CLB Manchester United (M.U) - thứ mà gần như không bao giờ xa rời ông suốt mấy năm nay: “À, trước tôi đội mũ có logo của Đồng Nai, gần giống với M.U. Một người bạn đã tặng tôi chiếc mũ mới. Thế là tôi đội suốt. Vì nó mang đến cho tôi chút ít may mắn. Hơn nữa, tôi cũng thích M.U”.
Nhưng 2/3 thời lượng phát sóng (kéo dài gần 45 phút), khán giả được nghe hầu hết những trăn trở của ông về nghề, và dĩ nhiên đầy ắp tâm tư.
Rời ngành công an vì chỉ được đào tạo về bóng đá
* Tại sao khi chia tay đội bóng Công an Hải Phòng, ông lại từ bỏ ngành công an khi đã mang đến hàm thượng tá?
HLV Trần Bình Sự: Đấy cũng từng là một trong những nỗi trăn trở đầy vơi của tôi trong quá khứ. Tôi đã phải suy nghĩ rất nhiều giữa ngành và nghề. Thời đó, khi bóng đá Việt Nam bắt đầu hết giai đoạn bao cấp. Bước những bước đầu tiên lên chuyên, những đội bóng của ngành công an quyết định giải thể vì không thể mua ngoại binh do đặc thù ngành.
Tôi phải ra đi vì nếu ở lại cũng không thể phục vụ cho ngành tốt. Tôi không được đào tạo về nghiệp vụ công an mà chỉ được đào tạo về bóng đá. Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) cử tôi sang nước ngoài học bóng đá.
Nhưng cũng khá may mắn là sau khi rời ngành công an, tôi không bao giờ bị thất nghiệp vì tôi bôn ba ở khá nhiều đội bóng. Mà mỗi đội, thời gian gắn bó của tôi khá dài. Hòa Phát là 6 năm, Đồng Nai 7 năm, Bình Dương 2 năm.
Trong 35 năm công tác, điều tôi thấy thiệt thòi nhất là không được thụ giáo HLV ngoại. Những HLV nội khác như Thanh Hùng, Huỳnh Đức…, đều được thụ giáo HLV Weigang, Riedl, Calisto.
Đồng Nai đã rớt hạng sau V-League 2015 - Ảnh: Minh Tú
|
* Năm 1993, ông đã từng dẫn dắt đội tuyển Việt Nam và chính ông đã có công rất lớn khi tạo ra một thế hệ cầu thủ tài năng mà sau này chính họ đã làm nên tấm HCB SEA Games 18 năm 1995 dù khi đó người dẫn dắt là HLV Weigang.
HLV Trần Bình Sự: Tôi còn nhớ năm 1993, trợ lý của tôi trên tuyển là anh Nguyễn Văn Vinh, Phạm Huỳnh Tam Lang, Lê Đình Chính. Chúng tôi đã bàn rất kỹ và quyết định đôn các cầu thủ trẻ lên đá, như Lê Huỳnh Đức, Nguyễn Hồng Sơn, Nguyễn Thanh Hải… Sau thời gian thử thách, chính họ đã trở thành nòng cốt của tuyển vào năm 1995. Nhưng tấm HCB SEA Games, không phải công lao của tôi đâu.
* Ông có nhớ, cách mà VFF chọn lựa ông ngồi vào chiếc ghế HLV trưởng đội tuyển như thế nào không?
HLV Trần Bình Sự: Thời điểm đó, Chủ tịch Hội đồng HLV quốc gia Lê Thế Thọ kiêm phó chủ tịch VFF đã triệu tập một cuộc họp có sự tham dự của các HLV của các đội hạng Nhất (năm đó chưa có đội V-League). Tiến hành bỏ phiếu, ai đạt số phiếu cao nhất thì làm HLV trưởng đội tuyển. Chỉ đơn giản như vậy.
Tiền không phải lẽ sống của tôi
* Xin được “lái” câu chuyện sang vấn đề khác khá tế nhị, vì liên quan đến tiền. Ở Việt Nam, HLV có thể kiếm được rất nhiều tiền, không chỉ từ lương, thưởng mà còn từ tiền bôi trơn, tiền lót tay. Lý do ông gắn bó lâu đến thế (35 năm) với bóng đá, có phải vì… tiền?
HLV Trần Bình Sự: Tôi quan niệm, tiền là phương tiện sống chứ không phải lẽ sống của tôi. Khi tôi đàm phán với lãnh đạo của một đội nào đó, tôi chỉ nói, điều quan trọng nhất là các anh thấy giá trị của tôi thế nào thì trả cho tôi đồng lương như thế. Với tôi, tiền không phải là tất cả.
* Liệu câu nói đó có là sáo rỗng?
HLV Trần Bình Sự: Hoàn toàn không!
Nỗi buồn Đồng Nai - Ảnh: Bạch Dương
|
* Vấn nạn “bôi trơn” giữa cầu thủ và HLV có xảy ra ở CLB Đồng Nai không, thưa ông?
HLV Trần Bình Sự: Ở Đồng Nai, chúng tôi làm việc rất sòng phẳng. HLV có quyền quyết định cao nhất về chuyên môn sau khi có sự bàn bạc với ban huấn luyện. Sau đó, HLV đề xuất lên Hội đồng quản trị về việc mua người nọ, mua người kia với mức lương bao nhiêu.
Các đội có thể cũng có tình trạng, cầu thủ gọi điện cho HLV và đưa ra con số trích lại phần trăm. Đội của tôi, có cầu thủ bảo: “Bác ký cho cháu 300 triệu nhưng viết lên thành 400 triệu đồng. 100 triệu, bác hưởng”.
Tôi gạt đi ngay và bảo: “Của các cháu bao nhiêu, cháu lấy cả, trừ tiền nộp thuế. Bác không lấy đồng nào. Nhận tiền của các cháu thì bác còn huấn luyện thế nào. Các cháu sẽ sẵn sàng bất tuân thủ theo kiểu: Ông lấy tiền của tôi, thì ông nói thế nào được tôi?”.
* Ông nhận xét thế nào về tình trạng, cầu thủ của đội này chất lượng không tốt nhưng khi sang đội khác, phí lót tay cao gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi số tiền mà anh ta được hưởng từ đội bóng cũ. Liệu có sự chia chác gì giữa cầu thủ và HLV của CLB mới?
HLV Trần Bình Sự: Đối với bóng đá Việt Nam, mọi việc đều có thể xảy ra. Theo kinh nghiệm của tôi, việc này không phải không có. Tất nhiên, với tôi, không bao giờ có tư tưởng nhận tiền của cầu thủ.
Có năm, cả làng bóng đá tiêu cực
Đồng Nai sẽ phải làm lại từ đầu - Ảnh: Minh Tú
|
* Khi còn làm Giám đốc kỹ thuật CLB Hòa Phát, trận đấu giữa Hòa Phát và Công an Hải Phòng đã đem lại kết cục rất tệ cho đội bóng của ông là sau đó giải thể?
HLV Trần Bình Sự: Tôi cho rằng, trận đấu này là vết nhơ của bóng đá Việt Nam. Người ta “đè ngửa” Hòa Phát ra để giết. Ông bầu Trần Đình Long và chủ tịch CLB Nguyễn Mạnh Tuấn là những người cực kỳ có tâm huyết và làm bóng đá rất tử tế. Nhưng dù Hòa Phát năm đó vẫn trụ hạng, những người làm bóng đá chân chính vẫn quyết định giải tán đội vì quá chán nản.
Theo tôi biết qua báo chí, năm đó, Hải Phòng còn lập cả Ban chống xuống hạng với số tiền lên đến 10 tỉ đồng. Nhưng sau này, những trọng tài điều khiển những trận đấu kiểu như giữa Hòa Phát với Hải Phòng đã bị kỹ luật vĩnh viễn.
* Năm 1994, sau trận đấu mà Hải Phòng thua Lâm Đồng, báo chí có viết là đội của ông chơi dao nhưng lại bị đứt tay. Ông có nhớ năm đó không?
HLV Trần Bình Sự: Trong cuộc họp tổng kết mùa giải, trưởng Ban thanh tra Tô Hiền có hỏi công khai các đội: “Có đội nào không dính đến tiêu cực không?”. Không một đội nào dám đứng lên cả. Năm ấy, cả làng tiêu cực. Các CLB đều là nạn nhân của chính mình.
* Hiện tại, khi xử lý tiêu cực, người ta hay đòi hỏi phải có bằng chứng. Trong khi đó, trước đây, cầu thủ Nguyễn Việt Thắng khi còn chơi cho HAGL đã từng bị treo giò 3 năm vì chỉ có biểu hiện tiêu cực?
HLV Trần Bình Sự: Ở những mùa giải cách đây đã khá lâu, trưởng ban tổ chức giải Ngô Tử Hà, hay sau đó là Trần Duy Ly, dù kể cả không có sự vào cuộc của công an, cũng sẵn sàng trừ điểm. Nhưng bây giờ thì không ai dám làm điều đó. Vấn đề tiêu cực chưa được giải quyết mạnh mẽ, triệt để. Khi công an vào điều tra, tìm chứng cứ thì VFF ùa vào kỷ luật.
Theo tôi, nếu làm không mạnh tay, không cương quyết thì những mùa sau còn nặng nề hơn.
Tôi nói sâu hơn về bóng đá Việt Nam. Hoạch định chiến lược của bóng đá Việt Nam chưa có và được xây theo mô hình chóp nón ngược mà đáng lẽ phải xuôi. Ở các nước, giải cao cấp nhất có số lượng đội ít nhất, nhưng ở Việt Nam, V-League có 14 đội, hạng Nhất, Nhì có 9 đội, hạng Ba có 6 đội. Như vậy là ngược quy luật.
Cái cần làm hiện nay là phải cải tiến bộ máy điều hành bóng đá Việt Nam và xây dựng hệ thống giải đấu có chất lượng thật sự. Kiatisak có giỏi đến mấy mà Thái Lan không có giải đấu chất lượng thì đội tuyển Thái cũng không thể thành công như hiện tại.
Người tôi yêu quý nhất đã phản bội tôi
Nỗi buồn của HLV Trần Bình Sự - Ảnh: Bạch Dương
|
* Ông đã thất bại với CLB Đồng Nai ở mùa giải 2015. Nhưng điều khiến ông đau đớn nhất là gì?
HLV Trần Bình Sự: Vết nhơ của bóng đá Đồng Nai là vụ án 6 cầu thủ tiêu cực. Trận đấu giữa Đồng Nai và Than Quảng Ninh mùa giải 2014, tôi đã thấy ngờ ngợ và quyết định thay thế ngay ở hàng thủ nhưng số cầu thủ bán độ lớn quá nên đành bất lực. Sau trận, tôi cùng các trợ lý đều bảo nhau, sẽ xem lại băng để rút kinh nghiệm vì thấy quá nghi ngờ.
Trên đường về khách sạn, cán bộ Cục Cảnh sát hình sự C45 có lên xe ô tô yêu cầu các cầu thủ khai rõ vụ việc. Ban đầu, chúng tôi còn tưởng gặp… cướp, hóa ra là công an.
6 cầu thủ đã phải chịu án kỷ luật nặng, nhưng bản thân tôi cũng phải chịu trách nhiệm vì theo sát cầu thủ hàng ngày mà không phát hiện ra. Nhưng họ chơi trên mạng thì cũng khó lắm.
Người tôi yêu quý nhất, đã tin tưởng trao băng đội trưởng là Hữu Phát đã phản bội tôi. Năm nay tôi 68 tuổi và có lẽ đây sẽ trở thành kỷ niệm đáng buồn nhất.
Nhưng trong thâm tâm tôi, Phát là cầu thủ tốt, sống có tình nghĩa. Tiền có lẽ không phải mục đích chính của Phát ở vụ việc này vì nó cũng chỉ vài chục triệu đồng. Cái chính là do nhận thức và hiểu biết về pháp luật còn non nớt, ấu trĩ. Phát đáng thương hơn là đáng trách.
Và dĩ nhiên, dư âm tồi tệ của vụ án đã đem lại một kết cục buồn cho chúng tôi. Tổn thất về người kéo dài dai dẳng và Đồng Nai đã bị xuống hạng.
* Còn một sự “phản bội” khác - theo chúng tôi là thế - tiền đạo Hải Anh đá hỏng phạt đền trong trận sinh tử với HAGL. Còn ông thấy thế nào?
HLV Trần Bình Sự: Trên thế giới, Platini, Zico còn đá hỏng phạt đền. Nên Hải Anh đá hỏng cũng là chuyện bình thường. Sau trận, Hải Anh lên phòng tôi và khóc xin lỗi. Tôi có nói, bác mới là người có lỗi vì không dạy các cháu đá tốt, không rèn các cháu có bản lĩnh tốt khi đứng trước phạt đền.
Nhưng kể cả hôm đó, Hải Anh đá trúng đi chăng nữa, chắc gì Đồng Nai đã trụ hạng thành công.
Thôi, những gì đã qua, cho qua. Vì ngày mai rồi sẽ đến...
Bình luận (0)