Nói đến cố HLV người Đức Karl Heinz Weigang, không người hâm mộ nào có thể quên được công lao của ông khi đưa đội tuyển VN đến ngôi vô địch Merdeka năm 1966 và giành huy chương đầu tiên ở SEA Games năm 1995 khi bóng đá nước nhà hội nhập trở lại khu vực Đông Nam Á.
"Đọc" suy nghĩ cầu thủ chỉ cần qua ánh mắt
Trước khi ông Weigang dẫn dắt thế hệ vàng đầu tiên của bóng đá VN (kể từ sau năm 1975), chúng ta đã có HLV người Brazil Edison Tavarez. Tuy nhiên, đội tuyển VN bắt đầu có thành tích khi Liên đoàn Bóng đá VN (VFF) ký hợp đồng với ông Weigang. Dù thời gian dẫn dắt của ông chỉ trong hơn 2 năm từ 1995 đến đầu 1997 nhưng đã giúp bóng đá VN sang trang. Với phong cách làm việc cần mẫn, khoa học, giáo án rất chỉn chu, đầy kỷ luật nhưng cũng biết phát huy sự sáng tạo của cầu thủ, ông Weigang đã thổi vào đội tuyển VN một luồng gió mới. Đặc biệt là tinh thần chỉ đạo "rực lửa" trên sân khiến các cầu thủ VN gần như thay đổi hoàn toàn nhận thức, phải thi đấu với tất cả sức lực và liên tục cạnh tranh với nhau để giành chỗ đứng, bởi ông Weigang không bao giờ có sự ưu ái cho người này hay người khác.
Cựu danh thủ Trần Minh Chiến, tác giả bàn thắng vàng vào lưới Myanmar ở bán kết SEA Games 18 năm 1995, nhớ lại: "Làm việc với thầy Weigang thì khỏi phải nói. Ông ấy có thể là mẫu HLV không dễ được yêu mến ngay vì tính cách của người Đức là lạnh lùng, nghiêm khắc, đôi lúc khó chịu, nhưng HLV Weigang luôn khiến mọi người nể phục, bởi tác phong làm việc rất chuyên nghiệp, tính cách rất bộc trực, thái độ rõ ràng, cái nào ra cái đó và luôn đòi hỏi những người xung quanh phải đạt hiệu suất lao động cao nhất".
Tiền vệ Sơn "công chúa" (biệt danh của cựu danh thủ Nguyễn Hồng Sơn) cũng có nhiều kỷ niệm với HLV Weigang. Học trò cũ của ông từng chia sẻ: "Bóng đá VN may mắn mời được thầy Weigang, một người hội tụ đủ tiêu chí cần thiết để đưa một nền bóng đá còn hạn chế như VN, có cơ hội tiếp xúc với bên ngoài. Dưới bàn tay dẫn dắt của ông, bóng đá VN dường như "lột xác", bước vào một thời kỳ mới, đủ sức nằm ở tốp đầu khu vực. Thầy không chỉ có phương pháp huấn luyện tiên tiến, kỷ luật làm việc chặt chẽ, thái độ lao động nghiêm túc mà còn có đầy đủ kiến thức giúp cầu thủ VN mở mang tầm nhìn. Có hai điểm mà chúng tôi rất ấn tượng về thầy, đó là thầy đọc trận đấu quá giỏi, điều chỉnh rất kịp thời. Và quan trọng là thầy nắm tâm lý cầu thủ rất nhanh, giống như đọc được suy nghĩ trong đầu người đối diện chỉ cần qua ánh nhìn hoặc cái liếc mắt".
Làm rạng danh nhiều tên tuổi
Tên tuổi của ông Weigang còn gắn liền với một thành tích đặc biệt xuất sắc khác cùng bóng đá VN. Những năm 1965 - 1966, tuy chưa có bằng cấp HLV nhưng ông Weigang bằng khả năng và phong cách làm việc tỉ mỉ, khoa học của mình đã giúp đội tuyển miền Nam VN thời đó tạo nên dấu ấn đặc biệt với danh hiệu vô địch giải bóng đá Merdeka năm 1966. Một thành tích xuất sắc, giúp thế hệ của những danh thủ như Phạm Huỳnh Tam Lang, Đỗ Thới Vinh, Nguyễn Văn Mộng sau này trở thành những tên tuổi lẫy lừng.
Khi hội nhập trở lại khu vực, bóng đá VN 2 kỳ SEA Games liên tiếp đều thất bại từ vòng bảng - SEA Games 16 tại Philippines năm 1991 và SEA Games 17 tại Singapore năm 1993. Đến SEA Games 18 năm 1995 tại Thái Lan, HLV Weigang dẫn dắt đội tuyển VN giành ngôi á quân. Quan trọng là ông đã làm thay đổi hoàn toàn diện mạo bóng đá VN, giúp Huỳnh Đức, Hồng Sơn, Công Minh, Quốc Cường, Mạnh Cường, Hoàng Bửu, Hữu Thắng, Hữu Đang… trở thành những cầu thủ rạng danh trong khu vực.
Chia tay bóng đá Việt Nam
Sau Tiger Cup năm 1996, Báo Thanh Niên từng không dưới 3 lần gặp và tiếp xúc với HLV Weigang. Đề tài câu chuyện của chúng tôi và ông xoay quanh chủ đề vốn từng làm dậy sóng dư luận hồi đó, như có hay không vụ va chạm với quan chức VFF khiến ông phải ra đi, hay chuyện ông đòi đuổi 4 cầu thủ về nước sau trận hòa Lào 1-1 ở sân Jurong.
Ông Weigang khi đó chỉ tâm sự: "Tôi là một HLV chuyên nghiệp, đến VN bằng tất cả nhiệt huyết và cũng muốn được làm việc một cách tốt nhất. Có thể lời nói tôi bộc trực và có đụng chạm, nhưng thực sự tôi rất bất bình khi nhận được sự thiếu hợp tác hoặc có lúc bị tác động xấu dẫn đến những khúc mắc và bất hòa. Nếu được tôn trọng, tôi muốn gắn bó lâu dài với bóng đá VN vì tôi nhận thấy tiềm năng ở đây rất lớn, người VN hâm mộ cuồng nhiệt và đam mê bóng đá. Đó chính là nền tảng tốt để bóng đá VN sẽ liên tục đào tạo ra lứa tài năng và phát triển mạnh mẽ".
Ông Weigang từng nghi ngờ một số học trò đá dưới sức ở trận gặp Lào tại Tiger Cup 1996 và đòi đuổi về nước những cầu thủ này ngay sau trận. Nhờ sự quyết liệt của ông mà đội tuyển sau đó giảm hẳn hiện tượng bè phái và không còn tình cảnh chơi không hết mình. Cựu đội trưởng Mạnh Cường nhớ lại: "Điều khác biệt mà ông thầy người Đức tạo nên chính là đội tuyển VN trở thành tập thể hết lòng, lăn xả thi đấu. Cái hay là ông luôn nhận ra điểm yếu của cầu thủ VN khi thi đấu quốc tế, đó là sự tự ti. Ông đã bàn với VFF, tổ chức đưa đội đi tập huấn châu Âu, đá với nhiều CLB của Đức để giúp học trò không run rẩy, sợ sệt mỗi khi giáp mặt đối thủ mạnh hơn".
Ông Weigang từng nhấn mạnh, ông đã làm việc ở nhiều quốc gia nên biết rằng những va chạm trong quá trình cộng tác đôi lúc không tránh khỏi. Nhưng vì nhiều lý do, sau Dunhill Cup đầu năm 1997 tại Malaysia, ông buộc phải chia tay bóng đá VN. (còn tiếp)
Bình luận (0)