Đợt xả lũ bắt đầu từ ngày 22 - 28.10 với lưu lượng xả 100 m3/giây, độ mở cửa tràn 0,54 m.
Ông Trần Quang Hùng, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa, cho biết những ngày vừa qua, cả 5 trạm quan trắc trên lưu vực đều ghi nhận không có mưa nhưng lượng nước đổ về hồ Dầu Tiếng vẫn liên tục tăng với lưu lượng 400 m3/giây. Trong khi hiện nay vào mùa mưa, nhu cầu sử dụng nước sản xuất nông nghiệp của người dân chỉ 20 m3/giây. Như vậy, mỗi ngày mực nước hồ tăng thêm 15 - 16 cm.
Lúc 7 giờ ngày 22.10, mực nước hồ Dầu Tiếng đang ở cao trình 23,63 m, trên mức báo động 2 hơn 43 cm. Do vượt quá mực nước theo quy trình vận hành nên công ty đã chủ động xin ý kiến của UBND TP.HCM để xả lũ nhằm đưa hồ Dầu Tiếng về mực nước trước lũ (ngày 21.10, UBND TP.HCM có văn bản chấp thuận).
Ông Hùng khẳng định: "Với mức xả 100 m3/giây vẫn đảm bảo an toàn cho vùng hạ lưu sông Sài Gòn. Bởi hiện sông Sài Gòn đang giai đoạn triều thấp. Chúng tôi cũng đã có thông báo đến các đơn vị và người dân nắm được lịch xả để chủ động trong sản xuất”.
Cùng ngày, UBND tỉnh An Giang và Công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi An Giang đã tiến hành xả lũ đập tràn cao su Tha La và Trà Sư (H.Tịnh Biên) - hai con đập có chức năng điều tiết lũ từ thượng nguồn sông Mê Kông đổ ra biển tây. Hiện mực nước lũ đo được cao nhất ở đập Tha La là 2,95 m, đập Trà Sư 2,94 m; thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước nhưng cao hơn mực nước năm 2015 trên 1 m.
Việc xả lũ đập Tha La và Trà Sư nhằm chủ động ứng phó với mưa lũ, đảm bảo an toàn sản xuất vụ thu đông năm 2016 và vụ đông xuân 2016 - 2017; đồng thời tạo thêm phù sa cho vùng Tứ giác Long Xuyên.
Bình luận (0)