Ðầu thế kỷ 15, hồ có tên Tả Vọng. Theo truyền thuyết, tại đây vua Lê Lợi trả lại rùa thần thanh gươm báu đã mượn để đánh quân Minh. Từ đó có tên hồ Gươm, hồ Hoàn Kiếm. Ngoài ra, trước đây hồ Gươm còn có tên là hồ Lục Thủy (do nước luôn có màu xanh), hồ Thủy Quân (vì duyệt thủy binh ở đây).
Ðây là hồ nước ngọt tự nhiên ở trung tâm Hà Nội, diện tích khoảng 12 ha. Hồ Gươm có nhiều di tích lịch sử. Tháp Rùa (hình chữ nhật có 3 tầng) nằm giữa hồ, được xây khoảng năm 1884 - 1886. Ðền Ngọc Sơn (phía bắc hồ) thờ thần Trần Hưng Ðạo và thần Văn Xương (chủ quản đường công danh, văn chương khoa cử). Cầu Thê Húc (mang ý nghĩa ngưng tụ hào quang) dẫn đến cổng đền Ngọc Sơn, được xây năm 1865 dưới triều vua Tự Ðức.
Trên bờ, hướng đông bắc hồ có tháp Bút (xây năm 1865, gồm 5 tầng, tượng trưng ngòi bút viết lên trời), đài Nghiên (3 chân kê nghiên là tượng ba con cóc), tháp Hòa Phong (là di vật còn sót lại của chùa Báo Ân bị dỡ bỏ năm 1898), đền Bà Kiệu (xây từ thời Lê Trung Hưng từ năm 1533 - 1789, thờ Liễu Hạnh công chúa, Ðệ nhị và Ðệ tam Ngọc Nữ). Ở bờ tây hồ là đền thờ vua Lê, có tượng vua Lê Lợi trên trụ cao cầm kiếm như phóng xuống hồ.
Không chỉ gắn liền với truyền thuyết lịch sử và tâm linh, rùa hồ Gươm còn thuộc nhóm rùa mai mềm khổng lồ đặc biệt quý hiếm.
Hồ Gươm được xem là biểu tượng của Hà Nội, của khao khát hòa bình: trả gươm (cho rùa thần), cầm bút (tháp Bút viết lên trời xanh) và trở thành nguồn cảm hứng của rất nhiều thi, nhạc sĩ, nhiếp ảnh gia…
Bình luận (0)