Đài CNN ngày 27.6 dẫn một nghiên cứu vừa công bố cho thấy những vết cắt trên một hóa thạch xương ống chân họ hàng của loài người cổ đại thể hiện khả năng họ từng giết mổ và ăn thịt nhau cách đây 1,45 triệu năm.
Hóa thạch xương chày nằm trong bộ sưu tập tại Viện bảo tàng quốc gia Nairobi (Kenya) và được bà Briana Pobiner, nhà cổ nhân loại học tại Viện bảo tàng Lịch sử tự nhiên quốc gia ở Washington D.C (Mỹ), phát hiện.
Chuyên gia này đang nghiên cứu bộ sưu tập trên để tìm vết cắn của các loài động vật đã tuyệt chủng có thể đã săn bắt tông người thì phát hiện những vết cắt trông giống như được tạo ra từ các công cụ bằng đá.
"Những vết cắt này trông rất giống với những gì tôi đã thấy trên hóa thạch động vật đang được xử lý để ăn. Có vẻ như thịt từ chiếc chân này đã được ăn và nó được ăn để bổ sung dinh dưỡng chứ không phải cho một nghi lễ", bà nhận định.
Đồng tác giả nghiên cứu là chuyên gia cổ nhân loại học Michael Pante tại Đại học bang Colorado (Mỹ) tạo ra các mô hình 3D dựa trên khuôn của khúc xương. Ông so sánh hình dạng vết cắt với dữ liệu hiện có của 898 dấu răng riêng lẻ, vết đồ mổ và vết giẫm đạp được tạo ra trong các thí nghiệm có kiểm soát.
Bà Pobiner không nói trước cho ông Pante về suy đoán của mình, nhưng phân tích của ông cũng đi đến kết luận rằng các vết cắt được gây ra bởi công cụ bằng đá.
Chưa rõ khúc xương chày thuộc loài nào trong tông người. Khúc xương hóa thạch này ban đầu được xác định là của loài Australopithecus boisei, nhưng sau đó được xác định là của loài Homo erectus, tức người đứng thẳng.
Các vết cắt không phải là bằng chứng mà chỉ là khả năng họ hàng của người cổ đại có thể đã ăn thịt từ cái chân. Các vết đánh dấu nằm ở nơi cơ bắp chân sẽ được gắn vào xương, một nơi để cắt nếu mục đích là nhằm tách thịt.
Bất ngờ hé lộ từ 'nghĩa trang' lâu đời nhất thế giới ở châu Phi
Nhà nghiên cứu Silvia Bello tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên London (Anh) cho rằng việc ăn thịt đồng loại có thể đã phổ biến hơn trong quá khứ so với suy nghĩ trước đây. Chuyên gia này lưu ý rằng bằng chứng về hành vi này cũng đã được tìm thấy tại các địa điểm khảo cổ liên quan đến người Neanderthal và người hiện đại sơ khai.
Bình luận (0)