Sau giờ làm việc là nhậu nhẹt rồi lăn đùng ra ngủ để lấy sức hôm sau đi làm, TN công nhân thiếu định hướng phát triển như: đi học Anh văn, vi tính hay học nâng cao tay nghề. Đó là thực trạng trong đời sống TN công nhân hiện nay. Mặt khác, vấn đề về hộ khẩu cũng là nỗi ám ảnh của TN công nhân. Bạn Quỳnh Nga - quê ở Dak Lak làm việc cho một công ty ở Bình Dương bức xúc: “Nơi tôi ở trọ có nhiều anh chị công nhân ở ngoài Bắc vào làm việc được hơn 7 năm rồi nhưng cứ mỗi 6 tháng lại phải đóng tiền để gia hạn tạm trú và ở quê các anh chị ấy vẫn phải đóng tiền công ích. Chúng tôi muốn được nhập hộ khẩu để an cư lập nghiệp trên quê hương mới này nhưng đành… chịu thua”. Theo Nga, rất thiệt thòi cho TN nhập cư, vì “chúng tôi cũng đã đổ biết bao mồ hôi, thậm chí cả máu của mình để hoàn thành công việc giúp cho Bình Dương cũng như TP.HCM thay da đổi thịt, nhưng chính quyền địa phương đối xử với chúng tôi thiếu công bằng. Chúng tôi muốn mua nhà để ở nhưng ngặt nỗi là... hộ khẩu không có đành phải bó tay”.
Việc 6 tháng đóng tiền để tạm trú là việc nhỏ, nhưng việc đi lại để làm thủ tục tạm trú quả là vô cùng khó. Chúng tôi phải bỏ việc để đi lại. Có người ở hơn 10 năm nhưng vẫn chưa nhập được hộ khẩu, nên con cái của họ đành phải đứng xa ngoài trường học!... |
Ông Bồ Văn Biện - một chủ nhà trọ ở ấp Hòa Lân 2 xã Thuận Giao, Thuận An cho biết, gia đình ông là một trong những hộ đầu tiên xây nhà trọ cho công nhân thuê. Công nhân đến ở thì gia đình ông có sự chuyển biến tích cực về kinh tế nhưng đồng thời có thêm sức ép về quản lý. Theo ông Biện, điều khó khăn nhất của công nhân chính là việc thiếu thông tin. Công nhân trọ thì đông, trình độ văn hóa thấp, thiếu sự am hiểu về pháp luật, thông tin thì bị nhiễu do không có thời gian cũng như tiền bạc nên thường xảy ra những vấn đề về an ninh trật tự. Ông Biện nói: “TN công nhân rất muốn tham gia vào một tổ chức xã hội để bảo vệ họ, sinh hoạt văn hóa văn nghệ để giảm strees sau giờ làm việc nên việc ra đời các chi hội nhà trọ là điều cần làm sớm”. Bạn Quan Văn Đính - công nhân quê ở Nghệ An đề nghị: “Cần thành lập một Trung tâm hỗ trợ TN nhập cư, nơi đó có thể giúp TN tìm việc làm, giới thiệu nhà trọ, tư vấn pháp luật, chính sách... Nếu Đoàn - Hội làm được điều này thì sẽ có nhiều TN nhập cư tham gia và tổ chức Đoàn - Hội sẽ rất có uy tín với công nhân”... Nhiều bạn trẻ tham dự cuộc gặp cho rằng: Đoàn - Hội cần phải tham gia vào việc giải quyết hộ khẩu giúp cho thanh niên nhập cư ổn định cuộc sống và yên tâm làm việc.
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, anh Đào Ngọc Dung đã ghi nhận những góp ý của TN nhập cư và yêu cầu các cấp bộ Đoàn phải sâu sát, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của TN nhập cư để kịp thời giúp đỡ họ khi cần. Anh Dung nói: “Lao động nhập cư là một trong những nhân tố góp phần phát triển xã hội. Chúng tôi sẽ xem xét các ý kiến của các bạn; việc thành lập trung tâm hỗ trợ TN nhập cư là một ý hay nhưng trước hết cán bộ Đoàn - Hội ở địa phương phải tiếp tục phát huy các mô hình, cách thức sinh hoạt theo từng đối tượng để từng bước đoàn kết tập hợp TN; sớm tổng kết và sớm triển khai nhân rộng mô hình chi hội nhà trọ…”.
Thiên Long
Bình luận (0)