Hộ kinh doanh phải đóng thuế cao hơn

22/12/2014 08:29 GMT+7

Hơn 3 triệu hộ kinh doanh trên cả nước sẽ phải đóng thuế nhiều hơn, theo cách tính thuế thu nhập cá nhân mới có hiệu lực từ 1.1.2015.

Hơn 3 triệu hộ kinh doanh trên cả nước sẽ phải đóng thuế nhiều hơn, theo cách tính thuế thu nhập cá nhân mới có hiệu lực từ 1.1.2015. 

Một số quy định mới đối với hộ kinh doanh áp dụng từ ngày 1.1.2015
Một số quy định mới đối với hộ kinh doanh áp dụng từ ngày 1.1.2015 - Ảnh: Khả Hòa
Cụ thể, theo luật sửa đổi bổ sung một số điều của các luật về thuế, có sửa đổi thuế thu nhập cá nhân (TNCN), có hiệu lực từ ngày 1.1.2015, các hộ kinh doanh, cá nhân cho thuê tài sản (nhà, đất, xưởng, ô tô...) có doanh thu trên 100 triệu đồng mỗi năm sẽ phải nộp thuế TNCN.
“Ép ông chủ tiệm hủ tiếu lên giám đốc”
Theo quy định mới, cá nhân kinh doanh sử dụng thường xuyên từ 10 lao động trở lên phải thành lập doanh nghiệp theo quy định của luật Doanh nghiệp. Ông Nguyễn Thái Sơn, chuyên gia thuế nhận xét, nhiều hộ bán hủ tiếu, phở ở TP.HCM sử dụng trên 10 lao động gồm giữ xe, chạy bàn, rửa chén... theo kiểu hộ gia đình. Ép ông chủ tiệm hủ tiếu lên giám đốc thì khiên cưỡng. Thực tế, có những hộ kinh doanh chỉ 2 - 3 người có doanh số mỗi năm lên đến vài chục tỉ, cả trăm tỉ đồng nhưng họ vẫn không lên công ty vì ngại chế độ sổ sách kế toán, phải thuê thêm người. Quy định này không hợp lý thì nên bỏ để không gây khó dễ cho người nộp thuế trong thực tế.
Bà Trần Thị Lệ Nga, Phó cục trưởng Cục thuế TP.HCM, giải thích rõ hơn hộ kinh doanh có doanh thu dưới 100 triệu đồng mỗi năm không phải chịu thuế TNCN, giá trị gia tăng (VAT); có doanh thu trên 100 triệu đồng mới phải chịu thuế TNCN và VAT. Từ ngày 1.1.2015, hộ kinh doanh sẽ không còn được giảm trừ gia cảnh, thay vào đó là mức thuế khoán từ 0,5 - 5% tùy theo ngành nghề.
Tăng chóng mặt
Nhiều hộ kinh doanh, nhất là những người cho thuê nhà cho rằng với sự thay đổi này, họ phải đóng thuế nhiều hơn. Cụ thể, hiện nay cá nhân cho thuê nhà đóng thuế TNCN và VAT khoảng 8,8% trên số tiền cho thuê. Qua năm 2015, số thuế tăng lên 10% (TNCN 5%, VAT 5%). Đặc biệt, theo Công văn 17526 của Bộ Tài chính ban hành đầu tháng 12 này, khoán thuế cho hộ kinh doanh phải đảm bảo các yêu cầu... tăng so với mức thực tế thực hiện năm 2014 tối thiểu 16%.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, lấy ví dụ nếu năm 2014, một hộ kinh doanh có doanh thu 60 triệu đồng mỗi tháng, với tỷ lệ thu nhập chịu thuế 30%, tính ra thu nhập là 18 triệu đồng (60 triệu x 30% = 18 triệu đồng), giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế và 2 người phụ thuộc tổng cộng là 16,2 triệu đồng (người chịu thuế 9 triệu, 2 người phụ thuộc là 7,2 triệu đồng). Như vậy, thu nhập chịu thuế của hộ này là 1,8 triệu đồng/tháng (18 triệu - 16,2 triệu), số thuế phải nộp là 90.000 đồng/tháng (1,8 triệu đồng x 5% tính theo biểu thuế của thuế TNCN), tương đương mỗi năm 1,08 triệu đồng.
Từ năm 2015, theo cách tính mới với hộ kinh doanh có doanh thu 60 triệu đồng, do không được giảm trừ gia cảnh nên số thuế phải đóng sẽ lên tới 1,2 triệu đồng mỗi tháng, tương đương với 14,4 triệu đồng/năm (60 triệu đồng x 2% tỷ lệ khoán ngành phổ biến trong ngành dịch vụ). Như vậy, năm 2014 đóng thuế TNCN 1,08 triệu đồng, qua năm 2015 đóng lên đến 14,4 triệu đồng, tăng gấp 13,3 lần.
Theo ông Trần Xoa, trong bảng giải trình sửa đổi thuế TNCN có nói rằng số thuế đóng góp của hộ kinh doanh chỉ chiếm 2% trên tổng số thuế, trong khi số cán bộ thuế phục vụ lên 60%. Chính vì không hiệu quả nên quay lại cách khoán thuế. Việc cải cách, thay đổi cách tính thuế đối với hộ kinh doanh đụng đến quyền lợi của người nộp thuế, nhất là người nộp thuế có thu nhập thấp, do đó khi áp thuế khoán cần đưa ra tỷ lệ doanh thu từ thấp lên cao, nhiều bậc thuế khoán để công bằng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.