Trung tá Cường, một sĩ quan công an ăn chơi là vai diễn mới nhất của võ sư Hồ Lê Nguyên Khôi trong phim Nhiệm vụ đặc biệt. Từ võ sư trở thành diễn viên, đó là một xoay chuyển lớn, hệt như hồi còn chúi đầu bên cỗ máy tiện, anh chưa bao giờ dám nghĩ có ngày mình được vinh danh là một “con rồng cơ khí”, là người lãnh thầu về xử lý nước thải đầu tiên tại Việt Nam, người Việt Nam đầu tiên được tập đoàn Salcon của Singapore mời làm giám đốc kinh doanh và đại diện thương mại cho họ tại Việt Nam để phát triển hệ thống xử lý nước thải và nước dùng trong công nghiệp và sinh hoạt.
Chuyện đời Hồ Lê Nguyên Khôi nghe anh kể ròng rã một tuần lễ cũng chưa hết vì có đủ vị chua cay. Ông nội anh vốn là một vị quan người Huế, còn nhà ngoại lại có truyền thống võ thuật ở Quảng Nam. Đến đời anh, hoàn cảnh gia đình đã sa sút, Nguyên Khôi phải tự mưu sinh ở tuổi ăn chưa no, lo chưa tới. Ngẫm lại, anh cười: “Có khi nhờ cực khổ vậy mà tôi tập được tính nhẫn nại, chịu thương chịu khó. Nhờ lớn lên trong khu phố người Hoa chuyên về nghề tiện, tôi lân la học được nghề này và biết sử dụng thành thạo máy tiện cơ khí từ năm lên 10, được “sư phụ” Trương Quốc Bình, "vua" của ngành cơ khí người Hoa, nhận làm đệ tử. Có thể nói “cái khó ló cái khôn”, 16 tuổi, tôi may mắn đoạt giải nhất toàn thành ngành cơ khí, 19 tuổi giải toàn quốc. Tuy nhiên, vì lo sinh kế cho gia đình nên con đường học vấn của tôi không được suôn sẻ lắm. Đến năm 24 tuổi, tôi mới tốt nghiệp ĐH Sư phạm kỹ thuật.
Thông tin thêm Phim đã đóng trong năm 2009: Những thiên thần áo trắng, Giấc mơ cổ tích, Lối rẽ, Cô nàng tóc rối, Cha dượng, Taxi, Người đẹp Bình Dương |
Từ nhỏ, anh đã gánh vác chuyện cơm áo, thời gian đâu để anh theo đuổi truyền thống võ thuật của bên ngoại?
Trong xóm người Hoa của tôi có rất nhiều võ đường, nên ngoài nghề tiện, tôi còn thọ giáo được nhiều môn võ khác nhau, từ võ cổ truyền, Thiếu Lâm, đến taekwondo, karate… và sử dụng nhiều loại binh khí khác nhau. Hiện nay tôi là Tổng hội trưởng Tổng hội Bạch Mi tại Việt Nam. Chính võ thuật đã dẫn dắt tôi đến với điện ảnh. Năm 1991, nhóm cascadeur do các anh chị Thu Vân, Tiến Dũng, Hoàng Triều... và tôi thành lập, được Hội Điện ảnh TP chính thức công nhận là CLB Cascadeur của hội. Rồi từ vai trò là một diễn viên thế thân, tôi được đóng những vai… quần chúng. Nhắc đến cái thuở ban đầu ấy, tôi rất cám ơn NSƯT Lý Huỳnh đã cho tôi cơ hội đóng phim Lửa cháy thành Đại La, từ đó, tôi được mời làm chỉ đạo võ thuật một số phim. Thật ra, năm 1993, tôi đã định bỏ cuộc, vì cho rằng muốn làm diễn viên phải có năng khiếu. Nhưng sau nhờ đạo diễn Lê Văn Duy hướng dẫn, tôi mới “ngộ” ra rằng năng khiếu thôi vẫn chưa đủ, một diễn viên còn cần vốn sống, mà về khoản này tôi đã tích lũy được khá nhiều qua bước đường gian truân. Thế là tôi lại nuôi hy vọng và tìm hiểu thêm về nghề diễn viên, đạo diễn qua sách vở. Tôi rất yêu bộ môn nghệ thuật này, cho dù đôi khi chỉ là người được mời vào giờ chót cho những vai nho nhỏ cần nói ngoại ngữ như gã Hàn Quốc qua VN tìm gái trong phim Taxi, tên ngoại quốc đòi nợ trong Cha dượng, chuyên gia Singapore trong Giấc mơ cổ tích, Việt kiều Pháp trong Những thiên thần áo trắng...
Vừa là võ sư, vừa là doanh nhân, vừa là diễn viên, và nghe đâu lúc này anh còn bước qua lĩnh vực ca hát. Có bao giờ anh kinh doanh bằng tâm hồn của một nghệ sĩ?
25 năm trong nghề, tôi học được nhiều, va chạm cũng nhiều. Tôi làm nên sự nghiệp từ hai bàn tay trắng, đã phá sản 3 lần trước khi thành công nên đã tập cho mình một tinh thần hết sức tỉnh táo trước mọi tình huống.
Ý anh muốn hướng đến một người đàn ông đa năng hay vì tham vọng quá lớn?
Từ nhỏ, tôi đã tự nhủ lòng phải luôn cầu tiến. Có lẽ với những hoạt động đa dạng của tôi hiện nay, có người sẽ cho rằng tôi ham hố… nhưng như trên đã nói, tôi rất tỉnh táo để làm chủ những hành động của mình. Kinh doanh giúp tôi gầy dựng lại sự nghiệp của cha ông, nghệ thuật giúp tôi cân bằng cuộc sống, không bị căng thẳng vì thương trường và võ thuật cho tôi sức khỏe và sự minh mẫn. Tôi nghĩ, có khỏe thì làm kinh doanh và nghệ thuật mới tốt. Vậy, chẳng phải những thứ đó có liên quan với nhau sao! Nếu nghệ thuật vị nhân sinh, thì con nhà võ cũng hành hiệp vì đời. Ngày xưa tôi từng học 3 năm thanh nhạc với thầy Bùi Duy Tân, bây giờ có dịp biểu diễn võ thuật và “hâm nóng” lại giọng ca của mình, nhất là cho những chương trình từ thiện, thì tại sao tôi lại không làm?
Chỉ nghe anh say sưa nói về võ và nghệ thuật, sao không thấy anh đề cập đến chuyện riêng tư?
Chuyện tình cảm của tôi chưa có gì đáng nói. Sau vài lần “tình có như không”, tôi vẫn là một người độc hành trên những chuyến bay vì công việc mà thôi. Tôi thèm một mái ấm lắm. Mẹ tôi còn mong muốn điều đó cho tôi hơn cả tôi nữa. Tôi không phải là người theo chủ nghĩa hoài nghi, nhưng thời nay, muốn tìm được một tình yêu chân thành khó quá.
Minh Tuyền
Bình luận (0)