Ho ra máu dai dẳng do hóc xương ống heo 20 năm

Lê Cầm
Lê Cầm
27/05/2022 09:57 GMT+7

Nam bệnh nhân (50 tuổi, ở Kiên Giang) ho ra máu và mủ dai dẳng, đi khám ở nhiều cơ sở y tế, tuy nhiên hình chụp X-quang không phát hiện bất thường.

Ngày 27.5, thạc sĩ - bác sĩ Phạm Thị Vân Thanh (Phòng khám Tai Mũi Họng, Bệnh viện Chợ Rẫy), cho biết đơn vị này vừa gắp thành công dị vật cho bệnh nhân bị hóc sặc xương ống heo trong đường thở suốt 20 năm qua.

Do vị trí mảnh xương đặc biệt, nằm khuất sau bóng tim nên hình chụp X-quang thẳng không thấy mảnh xương. Bệnh nhân đi nhiều cơ sở y tế nhưng không phát hiện được. Mỗi lần ho ra máu khạc đờm mủ, bệnh nhân phải dùng kháng sinh, kháng viêm.

Tình trạng này kéo dài, tuy nhiên lần này, tình trạng ho ra máu nhiều, chụp X-quang phổi có tình trạng viêm phổi hậu tắc nghẽn nên bệnh nhân đến cơ sở y tế lớn tại TP.HCM để chụp CT. Kết quả phát hiện mảnh dị vật.

Các bác sĩ đã nội soi để lấy dị vật nhưng gắp 2 lần không thành công. Bệnh nhân được giới thiệu sang Bệnh viện Chợ Rẫy để gắp dị vật ra ngoài.

Theo bác sĩ Vân Thanh, đây là một ca gắp dị vật khó, do mảnh xương nằm 20 năm trong phổi mọc nhiều mô hạt, sắt nhọn, bén cắm sâu vào thành phế quản. Trước khi gắp, bác sĩ khai thác bệnh sử xem bệnh nhân có ho ra máu nhiều không, xương có cắm động mạnh lớn không.

"Nếu mảnh xương cắm vào các động mạnh lớn, thì nguy cơ tử vong khi đang nôi soi lấy dị vật ra là rất cao", bác sĩ Thanh nói.

Mảnh xương có đầu nhọn, to, sắc bén được lấy ra thành công

bvcc

Trong quá trình gắp vị vật, bác sĩ quan sát xem vị trí nào dễ kéo, vị trí nào cắm chặt thành phế quản.

"Trong bước gắp thứ 4, phải vừa gắp đầu mảnh xương và kẹp mảnh chân, để tách phần chân của mảnh xương ra khỏi thành phế quản và mô hạt thì mới gắp thành công dị vật cho bệnh nhân", bác sĩ Thanh chia sẻ.

Bác sĩ Thanh khuyến cáo người dân khi ăn uống tránh cười nói, đặc biệt khi ăn súp cần cẩn thận vì có thể có xương vụn, nhất là đối với trẻ nhỏ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.