(Tin Nóng) Quân đội Mỹ từng thử nghiệm dự án tạo bãi đáp trực thăng trên những ngọn cây trong các khu rừng trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, theo Medium ngày 8.6.
Một mẫu thử bãi đáp trực thăng trên các ngọn cây trong rừng, ảnh Quân đội Mỹ
|
Dự án này do Lục quân Mỹ tiến hành năm 1965, theo đó trực thăng sẽ thả và bốc lính xuống bãi đáp được xây trên các ngọn cây trong những khu rừng ở Việt Nam, nơi khó có khoảng trống cho trực thăng hạ cánh.
Ba năm trước đó, quân Mỹ bắt đầu chính thức đổ vào miền Nam Việt Nam. Các khu rừng là nơi du kích và quân Giải phóng chiếm lĩnh, và lính Mỹ khó có thể tiếp cận dễ dàng.
Một báo cáo của quân đội Mỹ cho biết rừng rậm là nơi khó triển khai các vũ khí hiện đại, cũng như khó đổ quân hơn là đồng bằng.
Phòng thí nghiệm chiến tranh hạn chế của Lục quân Mỹ tại bang Maryland (gọi tắt là LWL) nhanh chóng đưa ra giải pháp. Các kỹ sư tại đây gợi ý tạo ra một sàn đáp trực thăng ở tuốt trên đỉnh ngọn cây, và binh lính từ trực thăng được thả xuống đây rồi tụt xuống đất.
“Bãi đáp này sẽ phục vụ như một cơ sở cho việc đổ và bốc quân và trang thiết bị, sơ tán thương binh, làm trạm quan sát, lắp đặt trạm nghe lén từ xa và như trạm canh trong rừng già để tăng cường an ninh”, báo cáo của LWL viết năm 1964.
LWL thuê công ty Geometrics xây dựng 1 mẫu bãi đáp trong rừng. Bãi đáp này gồm hai tấm lưới bằng những sợi thép không gỉ và một khung làm sàn đáp hình lục giác làm bằng các ống nhôm và phủ một lớp lưới nylon phía trên.
Cách lắp đặt như sau: Đầu tiên các trực thăng chở các thành phần của sàn đáp và ráp từ trên không. Rồi trực thăng thả hai phần lưới xuống các ngọn cây. Sau đó binh lính từ trực thăng tụt xuống neo chặt lưới vào các tán cây. Rồi một trực thăng thả phần sàn đáp hình lục giác xuống phía trên các tấm lưới. Sàn đáp này là nơi binh lính cùng trang thiết bị sẽ được thả xuống từ trực thăng.
Từ sàn đáp này, binh lính sẽ tụt dây xuống đất, và có cả 1 chiếc lồng để đưa thương binh dưới mặt đất vào trong và có tời trên sàn kéo lên để trực thăng bốc đi.
Các kỹ sư ước tính sàn đáp hình lục giác này có thể chịu tải đến 4,5 tấn, đủ sức cho một đội lính trang bị đầy đủ và thậm chí có thể bố trí được cả súng cối. Cuối cùng, các kỹ sư còn đưa ra cách đặt một bồn nhiên liệu gần bãi đáp này để trực thăng có thể đủ nhiên liệu cho chuyến bay trở về.
Lính Mỹ thao tác gắn bãi đáp trực thăng trên các ngọn cây
|
Một mẫu bãi đáp ở mặt đất, trong rừng thưa - Ảnh: Quân đội Mỹ
|
Trước khi gửi các hệ thống này đến Việt Nam, LWL thực tập các lắp đặt trên thực địa ở Aberdeen, bang Maryland và trong khu rừng nhiệt đới gần Hilo, đảo Hawaii.
Các thử nghiệm đã chứng minh hệ thống này làm việc đến một mức độ nào đó, nhưng máy phát điện của hệ thống thì quá ồn ào và gây mất ổn định cho một khẩu đội cối bố trí trên sàn đáp. Các thử nghiệm cũng nhận thấy rằng đưa thương binh từ trong lồng lên sàn đáp chờ trực thăng đến là phức tạp và có khả năng gây hại cho những người lính bị thương.
Và do không có hàng rào bảo vệ, binh lính có nguy cơ bị ngã hay bị đẩy khỏi sàn đáp xuống đất. Trong một thử nghiệm, một chiếc tời cơ khí đã bị rơi khỏi sàn đáp. Rất may, không ai bị chiếc tời rơi trúng bên dưới.
Với những kết quả này, quân đội đã có những sàn đáp sẵn sàng cho thử nghiệm tại hiện trường. Tuy nhiên, sau khi huấn luyện binh sĩ trên các thiết bị mới, dường như không thể tìm thấy bất cứ ai thực sự muốn sử dụng chúng. Các chuyên viên thẩm định dừng nghiên cứu của họ.
Tuy nhiên, sư đoàn 1 không kỵ và sư đoàn 4 bộ binh Mỹ muốn thử nghiệm xem liệu họ có thể xây dựng những sàn đáp lớn hơn với trực thăng CH-47 của họ. Sau khi xem xét các nguyên mẫu vẫn còn ở Việt Nam, quân đội Mỹ trao chúng cho cả hai sư đoàn này.
LWL lại bắt tay cải thiện các thiết kế cơ bản. Ba năm sau chuyến đi đầu tiên đến Đông Nam Á, các kỹ sư đã gửi một phiên bản mới trở lại Việt Nam. Nhưng các binh sĩ Mỹ vẫn thờ ơ về dự án này.
Thay vì bố trí trên ngọn cây, sàn đáp cải tiến lần này được bố trí trên mặt đất để tạo bãi đáp cho trực thăng ở nơi nhiều bụi cây cũng như nền đất yếu.
Nhưng đến năm 1069, dự án này chết hẳn, khi Lầu Năm Góc quyết định dùng loại bom cỡ lớn để phát quang một khoảnh rừng, làm bãi đáp cho trực thăng.
Ban đầu loại bom M-121 nặng 6 tấn còn tồn từ thời Thế chiến II được sử dụng, sau đó Không lực Mỹ phát triển loại bom BLU-82 (7 tấn) làm bom phát quang, gọi là Daisy Cutter, cực nặng so với các máy bay chiến đấu. Người ta phải dùng máy bay vận tải C-130 để chở và thả bom BLU-82, và cả trực thăng loại cần cẩu bay CH-54 cũng được sử dụng.
Ngày nay Lầu Năm Góc mua các loại bom mới hơn, nặng hơn Daisy Cutter làm việc tạo ra bãi đáp trực thăng, chẳng thấy ai nói gì đến dự án bãi đáp trên ngọn cây nữa.
Xem trực thăng thả lính lắp ráp bãi đáp trực thăng trên các ngọn cây trong rừng thời chiến tranh Việt Nam
|
Anh Sơn
>> Quân đội Mỹ tiết lộ bị đĩa bay tấn công trong chiến tranh Việt Nam
>> Hải quân Mỹ từng triển khai 100 đầu đạn hạt nhân ở Vịnh Bắc bộ
>> Giải mật sổ tay hướng dẫn phi công Mỹ đánh cắp máy bay MiG
>> Hồ sơ: Vì sao UAV Mỹ bị Bắc Việt Nam bắn hạ như sung ?
>> Hồ sơ: Khẩu siêu súng 1.200 nòng của Mỹ phá sản ở Việt Nam
Bình luận (0)