Gần đây, tôi ghé Khoa Phẫu thuật tạo hình thuộc Bệnh viện Saint Paul (Hà Nội) để tìm hiểu về những ca biến chứng do phẫu thuật thẩm mỹ, nơi TS-BS Phạm Thị Việt Dung luôn bận rộn với bệnh nhân. Ca bà đang phụ trách là một phụ nữ bị hoại tử phần mông do độn mông ở một cơ sở không uy tín. Theo bác sĩ Dung, trường hợp bệnh nhân gặp biến chứng như vậy không hiếm, mỗi tháng khoa tiếp nhận hàng chục ca tương tự. Họ tới bệnh viện để cắt bỏ bộ phận bị hoại tử và tạo hình lại cho những bộ phận bị hư.
Điếc không sợ súng
Theo bác sĩ Dung, thị trường thẩm mỹ ở Việt Nam hiện nay khá hỗn độn từ thợ làm tóc đến nhân viên massage đều hồn nhiên tiêm filler và botox (phương pháp xóa nếp nhăn) cho khách hàng khi họ yêu cầu. Trong khi đó tại các nước phát triển, việc đào tạo và cấp phép cho người làm thẩm mỹ rất bài bản. Họ chịu sự quản lý trực tiếp và chặt chẽ từ nhiều phía.
“Người càng có kiến thức càng biết sợ, biết từ chối những gì vượt khả năng. Còn đằng này…”, bà nói.
Những bệnh nhân bác sĩ Dung từng điều trị đều có đặc điểm chung là thiếu kiến thức về thẩm mỹ nên sử dụng dịch vụ một cách dễ dãi. Chỉ tới khi không thể khắc phục được hậu quả họ mới đến bệnh viện. Việc điều trị cho những người bị biến chứng do phẫu thuật thẩm mỹ khó hơn bội phần so với tiến hành thẩm mỹ cho những người làm từ đầu.
Nhìn vào thực tế thị trường thẩm mỹ ở Việt Nam, bác sĩ Võ Thành Trung (chuyên khoa 1 phẫu thuật thẩm mỹ - Giám đốc Viện thẩm mỹ La Ratio, TP.HCM) ngán ngẩm: "Khi người ta đẹp thì nói gì về chuyện làm đẹp mọi người cũng tin. Bởi vậy, một thực tế đang diễn ra và cực kỳ nguy hiểm hiện nay là người đẹp đua nhau mở dịch vụ làm đẹp".
Theo ông Trung, người đẹp mở dịch vụ làm đẹp không có gì xấu nhưng hầu hết họ không có chuyên môn, phải phụ thuộc vào bác sĩ họ thuê. Mặt khác, những người đẹp này coi việc thẩm mỹ là dịch vụ, công việc của họ là đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Nhiều trường hợp để chiều ý khách, họ nhận lời làm những dịch vụ ngoài khả năng của người bác sĩ được thuê. Vì phải đáp ứng yêu cầu của chủ, bác sĩ buộc phải làm thao tác ngoài khả năng. Hệ quả để lại là phẫu thuật không như ý muốn, nặng hơn là biến chứng dẫn tới việc sửa tới sửa lui, càng sửa càng sai.
|
Bát nháo đào tạo
Gần đây, chị Phạm Thị Xuyến (22 tuổi, quê Kiên Giang) cùng hàng chục phụ nữ gọi cho phóng viên Thanh Niên trình bày việc các chị là dân tỉnh lên TP.HCM học nghề thẩm mỹ nhưng sau mấy tháng tiền đóng gạo góp đến ngày nhận bằng thì tổng giám đốc của thẩm mỹ viện mà các chị theo học không ký vào bằng. Người ký vào bằng tốt nghiệp của các chị không đủ thẩm quyền nên bằng không có giá trị hành nghề.
Mất mạng vì phẫu thuật thẩm mỹThị trường thẩm mỹ hiện rất bát nháo và thiếu an toàn. Vài năm trở lại đây, nhiều người chết tức tưởi khi sử dụng các dịch vụ thẩm mỹ.
Cách đây vài năm, dư luận từng rúng động vụ chị Lê Thị Thanh H. (ngụ Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội) tử vong sau khi làm phẫu thuật nâng ngực tại Thẩm mỹ viện Cát Tường (Hà Nội). Chủ cơ sở thẩm mỹ và nhân viên đã vứt thi thể chị H. xuống sông Hồng để phi tang.
Năm 2017, Viện thẩm mỹ Việt Thành (TP.HCM) thực hiện hút mỡ bụng cho ông Edward Hartley (53 tuổi, người Mỹ). Sau khi tiêm thuốc tê 10 - 15 phút (trước khi hút mỡ), ông có dấu hiệu trụy mạch. Dù đã tiến hành các thao tác cấp cứu và gọi Bệnh viện Trưng Vương hỗ trợ nhưng ông Edward đã tử vong.
|
“Một năm trước tôi lên TP.HCM tìm học nghề. Tới một số thẩm mỹ viện họ hứa sau vài tháng tới một năm là có thể ra nghề với các kỹ thuật như nhấn mí mắt, tiêm một số hóa chất làm đẹp và nâng mũi... tuy nhiên học phí khá cao. Cuối cùng tôi chọn học tại Thẩm mỹ viện Trúc Phương (Q.11, TP.HCM) vì học phí cho cả khóa chỉ tốn 40 triệu đồng kèm theo cam kết sau một năm ra nghề có thể mở spa”, chị Xuyến cho hay.
Hỏi chị Xuyến giờ chị có thể làm những kỹ thuật gì? Chị khẳng định có thể cắt mí mắt, tiêm một số loại silicon và làm tiểu phẫu đơn giản. Với các yêu cầu như nâng mũi, gọt cằm, nâng ngực chị có thể tư vấn nhận làm nhưng sẽ chuyển qua thẩm mỹ viện từng học để họ làm còn mình hưởng tiền dịch vụ ban đầu. Chị Xuyến thật thà: “Nói là học về thẩm mỹ gần một năm nay chứ thật ra tôi chỉ phụ việc ở viện. Việc được dạy hằng ngày cũng chỉ là những thao tác massage đơn giản. Trong quá trình ở đó thấy ai làm gì thì mình học theo. Nhìn rồi bắt chước làm một thời gian là quen tay”.
Trên thực tế những "thợ massage" được đào tạo và cho ra lò mỗi năm rất nhiều. Không được đào tạo bài bản, kém chuyên môn cũng như việc cấp giấy chứng nhận, chứng chỉ có phần dễ dãi đã làm số ca bị biến chứng do phẫu thuật thẩm mỹ ngày càng tăng trong những năm gần đây.
Cách đây không lâu, chị Trần Nhật Lệ (42 tuổi, quê Đà Nẵng) hớt hãi tới gặp phóng viên với cái mũi sưng phù và khuôn ngực cũng đang mưng mủ và có nguy cơ bị hoại tử. Qua lớp khẩu trang, giọng chị nghẹn đặc: "Tôi đi xem bói người ta bảo tướng tôi không tốt phải sửa một vài bộ phận thì mới cải thiện được. Họ chỉ tôi tới Thẩm mỹ viện PH Hàn Quốc để nâng mũi, nâng ngực và phẫu thuật gọt cằm, đẩy hàm hô". Vì tin lời, chị Lệ vào TP.HCM theo lời giới thiệu. Ở đây, chị được tư vấn kỹ và tổng số tiền chỉnh sửa sắc đẹp là gần 200 triệu đồng.
Sau hàng chục chuyến bay Đà Nẵng - Sài Gòn làm đẹp, mũi của chị biến dạng do chỉnh sửa đến lần thứ ba nhưng mũi vẫn cứ thẳng đứng, vô hồn và giờ thì cả mũi và ngực đều bị sưng viêm do biến chứng. "Sau mấy lần hẹn tư vấn, họ chốt ngày giờ làm và đưa tôi vào một cơ sở khác không phải trụ sở thẩm mỹ viện, nói là bác sĩ ở bệnh viện lớn phẫu thuật nhưng tôi không biết tên bác sĩ cũng như nơi làm việc của bác sĩ đó ở đâu. Sau nhiều giờ phẫu thuật tôi về khách sạn đợi mặt bớt sưng để ra sân bay về nhà", chị Lệ tức tưởi kể.
Khi được hỏi về các hóa đơn hay cam kết trước phẫu thuật, chị Lệ lắc đầu: “Tôi làm vì tin tưởng nên không có giấy tờ cam kết nào hết. Đóng tiền thậm chí cũng chỉ là hóa đơn bán lẻ chứ không có con dấu hay chữ ký của cơ sở thẩm mỹ”. Chị cho hay sau mấy lần chỉnh sửa không thành công, vị bác sĩ "chăm sóc" chị từ lúc tư vấn giờ gọi không nghe máy, nhắn tin cũng không trả lời. Bí bách quá chị mới nhờ đến truyền thông bởi chị ngại việc mình phẫu thuật thẩm mỹ sẽ có nhiều người biết.
(còn tiếp)
Bình luận (0)