Hồ sơ mật vừa được tung ra cho thấy sự dính líu của Hãng luật Mossack Fonseca với một trong những vụ cướp lớn nhất nước Anh.
Gordon Parry (giữa) bị cảnh sát áp giải năm 1990 - Ảnh: Shutterstock |
Mấy ngày qua, dư luận thế giới rung chuyển vì 11,5 triệu tài liệu do nhóm phóng viên điều tra quốc tế (ICIJ) tung ra về hoạt động của Hãng luật Mossack Fonseca, đặt trụ sở tại Panama.
Trong đó, ít nhất 12 đương kim hoặc cựu nguyên thủ quốc gia cùng người thân, hàng chục chính khách, tỉ phú và người nổi tiếng trong nhiều giới đã trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua Mossack Fonseca để lập vô số công ty, phần lớn bị nghi ngờ là công ty “ma” với mục tiêu che giấu tài sản, trốn thuế hoặc thậm chí là rửa tiền.
Bên cạnh những cái tên trong chính giới, thương trường và giới giải trí, số tài liệu được gọi là “Hồ sơ Panama” này còn hé lộ phần nào sự dính líu của Mossack Fonseca với vụ cướp số tài sản trị giá 26 triệu bảng (80 triệu bảng theo thời giá hiện nay) xảy ra 33 năm trước, theo BBC.
Vụ cướp thế kỷ
Rạng sáng 26.11.1983, một cảnh tượng kinh hoàng đã diễn ra tại kho Brink’s-Mat của Ngân hàng Johnson Matthey Bankers gần phi trường Heathrow, phía tây London. Sáu tên bịt mặt vũ trang hạng nặng xông vào khống chế các nhân viên an ninh, đổ xăng vào hạ bộ của họ và dọa thiêu sống nếu không khai ra mật mã mở kho tài sản. Sau đó, bọn chúng dùng xe tải chở đi 3,5 tấn vàng thỏi, kim cương và tiền mặt.
Đây là một trong những vụ cướp lớn nhất lịch sử nước Anh và được báo chí thời đó gọi là “Vụ cướp thế kỷ”. Ngoài 6 tên trực tiếp ra tay còn có hàng chục người khác dính líu. Sau đó, tất cả đã bị bắt và thụ án nhiều năm tù giam hoặc chết trong các vụ thanh toán nhằm giành giật chiến lợi phẩm.
Tờ The Guardian dẫn lại hồ sơ vụ án cho biết phần lớn số vàng đã bị bọn tội phạm nung chảy rồi đúc lại và tẩu tán thông qua mạng lưới phân phối khắp châu Âu để thu về hàng chục triệu bảng. Trong số tài liệu của “Hồ sơ Panama” có hàng trăm bản fax, thư tín và hồ sơ lưu trữ chứng tỏ một phần số tiền này đã được rửa qua nhiều công ty offshore (công ty bình phong mở ở những nơi có thuế suất ưu đãi “thiên đường thuế” khét tiếng như Panama, Thụy Sĩ, Síp, quần đảo Virgin thuộc Anh… với mục đích trốn thuế hoặc rửa tiền) và tất cả đều dính líu tới Mossack Fonseca.
Mưu ma chước quỷ
Theo “Hồ sơ Panama”, vào năm 1984, tức 12 tháng sau vụ cướp Brink’s-Mat, một công ty offshore tên Centre Services đặt tại quần đảo Jersey (Anh) liên hệ với Mossack Fonseca để yêu cầu giúp thành lập một công ty mới ở Panama. Đích thân nhà đồng sáng lập hãng luật là Jürgen Mossack tiến hành thủ tục để lập ra công ty mang tên Feberion và giữ luôn vai trò giám đốc. Sau đó, khoảng hơn 10 triệu bảng Anh đã được đổ vào Feberion cùng nhiều công ty vỏ bọc khác rồi chảy vào tài khoản ngân hàng ở Thụy Sĩ, Liechtenstein, Jersey và Isle of Man (Anh).
Theo BBC, nhân vật đứng sau toàn bộ mạng lưới này là chuyên gia rửa tiền khét tiếng thế giới ngầm Gordon Parry, vốn chuyên “tẩy sạch” tài sản phi pháp cho giới tội phạm Anh. Chưa có bằng chứng cho thấy Jürgen Mossack biết rõ về nguồn gốc số tiền được luân chuyển qua các công ty nói trên.
Một điện tín nội bộ rò rỉ từ “Hồ sơ Panama” cho thấy vào năm 1986, một nguồn tin nặc danh đã cảnh báo với Mossack về vụ cướp Brink’s-Mat nhưng ông phớt lờ và thậm chí còn cố vấn cho Parry các thủ thuật tránh khỏi tai mắt của giới thanh tra tài chính.
Parry dùng số tiền đã được rửa mua nhiều bất động sản đắt giá tại Anh cho các thành viên của băng cướp, đồng thời “tự thưởng” một dinh thự rộng lớn ở hạt Kent, được định giá vào khoảng 1 triệu bảng. Năm 1990, kẻ này bị bắt và kết án 10 năm tù giam.
Điều đáng nói là dù xoay đủ cách nhưng nhà chức trách Anh không thể chứng minh ngôi biệt thự này mua bằng tiền phi pháp. Thế là từ sau khi ra tù đến nay, Perry vẫn đang ung dung sống cùng vợ tại đây.
Mossack Fonseca làm ăn với Triều Tiên
Reuters dẫn tài liệu từ “Hồ sơ Panama” cho thấy trong nhiều năm, Hãng Mossack Fonseca đã tư vấn quản lý và pháp lý cho DCB Finance Limited, một công ty offshore đặt trụ sở tại quần đảo Virgin (Anh) thành lập năm 2006.
DCB được đứng tên bởi ông Nigel Cowie, quốc tịch Anh và là Giám đốc Ngân hàng Daedong Credit ở Bình Nhưỡng, cùng một quan chức cấp cao của CHDCND Triều Tiên tên Kim Chol-sam. DCB bị cáo buộc là công cụ để Ngân hàng Daedong Credit qua mặt lệnh cấm vận quốc tế để luân chuyển nguồn tài chính đổ vào các thương vụ vũ khí và chương trình phát triển hạt nhân của Triều Tiên. Năm 2013, Mỹ chính thức áp đặt trừng phạt nhằm đích danh DCB cùng ông Kim Chol-sam và đến khi đó Mossack Fonseca mới chấm dứt làm ăn với công ty này.
Trong một diễn biến liên quan, Thủ tướng Iceland Sigmundur David Gunnlaugsson tối 5.4 tuyên bố từ chức, theo AFP. Ông bị nêu trong “Hồ sơ Panama” là cùng vợ sử dụng một công ty offshore tên Wintris Inc, để “giấu hàng triệu USD”. Đến nay, nhà lãnh đạo vẫn bác bỏ mọi cáo buộc nhưng đã phải rời ghế do sự phản đối dữ dội từ dư luận và phe đối lập.
|
Bình luận (0)